Ngày 17/11, hai máy bay ném bom B-1B của Mỹ đã đi qua vùng trời phía Bắc Đài Loan, thậm chí tiến vào Vùng nhận dạng phòng không Biển Hoa Đông do Trung Quốc vạch ra, hành động này mang ý nghĩa răn đe sâu sắc, cho thấy Mỹ quốc đang gửi những thông điệp “cứng rắn” đến chính quyền Bắc kinh.
Thời gian gần đây, quân đội Mỹ thường xuyên có rất nhiều động thái, máy bay quân sự liên tục xuất hiện trên vùng trời Tây Nam Đài Loan.
Cùng ngày 17/11, chuyên trang Twitter theo dõi động thái máy bay – “Aircraft Spots” đăng tải bản đồ đường đi, kèm theo dòng Caption nói rằng: “Hai máy bay ném bom B-1B của Hoa Kỳ đã cất cánh từ Căn cứ Không quân Hoa Kỳ – Guam Anderson, và đi qua không phận ở phía Bắc Đài Loan. Đi về phía Biển Hoa Đông và đi vào Vùng Nhận dạng Phòng không Biển Hoa Đông”.
Trong quá trình này, hai máy bay tiếp dầu KC-135 đã được sử dụng cho các hoạt động tiếp nhiên liệu.
Gần đây, căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ở eo biển Đài Loan và Biển Đông tiếp tục leo thang.
Một số nhà phân tích tin rằng, việc máy bay ném bom Hoa Kỳ xâm nhập Vùng nhận dạng phòng không Biển Hoa Đông của Trung Quốc cho thấy, quân đội Hoa Kỳ một lần nữa đang gửi tín hiệu cứng rắn đến ĐCSTQ.
Ngày 12/11, Bộ Tư lệnh Chiến lược Hoa Kỳ thông báo rằng, máy bay ném bom B-1B đặt tại Hoa Kỳ và máy bay ném bom B-1B đặt tại căn cứ Guam, đã tiến hành một cuộc huấn luyện tấn công tầm xa, nhằm thể hiện khả năng triển khai của chúng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và trên thế giới.
Chỉ huy hiện trường tuyên bố, anh ta sẵn sàng trả lời điện thoại và ứng phó với bất kỳ cuộc xung đột nào trên khắp thế giới. Việc đào tạo như vậy có thể giúp phát triển các chiến lược, đào tạo và quy trình xung đột cấp cao cho phi công.
Ngày 14/11, Bộ Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ thông báo rằng, tàu USS Reagan đã quay trở lại cảng Yokosuka của Nhật Bản, đồng thời cũng tuyên bố rằng, thủy thủ đoàn sẽ duy trì mức độ huấn luyện và kỹ năng chiến đấu cao, chuẩn bị ứng phó với các tình huống khẩn cấp trong khu vực.
Ngày 15/11, trang web giám sát hàng không dân dụng tiết lộ, trên vùng trời Tây Nam Đài Loan, một máy bay quân sự của Trung Quốc đã sử dụng tần số khẩn cấp tuyên bố: “Các bạn đã vào không phận của chúng tôi, hãy rời đi ngay lập tức, nếu không sẽ bị cưỡng chế rời đi”.
Họ sử dụng hình thức song ngữ Trung – Anh nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Theo phân tích, hành động trên là nhằm vào máy bay quân sự của Mỹ. Máy bay quân sự Mỹ đáp trả rằng, họ đang bay bình thường trên không phận quốc tế, không liên quan gì đến việc vi phạm không phận của Trung Quốc.
Ngày 16/11, một máy bay trinh sát điện tử RC-135W của quân đội Hoa Kỳ đã cất cánh từ căn cứ Kadena ở Nhật Bản vào Biển Đông, để tiến hành hoạt động tiếp cận trinh sát, đồng hành cùng là một máy bay tiếp nhiên liệu trên không của Không quân Hoa Kỳ, hoàn thành các hoạt động tiếp nhiên liệu trên không trên vùng trời Tây Nam Đài Loan. Họ dường như hoàn toàn phớt lờ sự quấy rối của máy bay quân sự Trung Quốc.
Cùng ngày 16/11, một máy bay Y-8ASW của ĐCSTQ cũng tiến vào vùng trời Tây Nam Đài Loan. Một máy bay trinh sát tầm cao U-2S được cho là đóng ở Hàn Quốc đã tiến vào Hoàng Hải để tiếp cận trinh sát.
Gần đây, ĐCSTQ cũng đã thường xuyên tiến hành các hoạt động quân sự, lần lượt tiến hành các cuộc tập trận phòng không ở các khu vực ven biển, trong đó bao gồm cả cuộc diễn tập quân sự của lực lượng phòng không hải quân Chiến khu Nam bộ, trên vùng biển và vùng trời phía Tây đảo Hải Nam vào cuối tháng 10.
Ngày 16/11, Cục An toàn Hàng hải Quảng Đông đã ban hành “Cảnh báo hàng hải”. Dự kiến từ ngày 17 đến 30/11, sẽ tiến hành một cuộc diễn tập tại khu vực được phân định trên Biển Đông. Một số nguồn tin cho biết, điều này là có liên quan đến tàu tấn công đổ bộ Kiểu 075 mới nhất của ĐCSTQ.
Vào thời điểm cuộc tổng tuyển cử ở Mỹ đang chưa đến hồi kết, quân đội Mỹ dường như đang điều chỉnh lại chiến lược, sau khi quyền Bộ trưởng Quốc phòng mới – Christopher Miller nhậm chức.
Vẫn còn phải xem, liệu sự xuất hiện liên tục của máy bay quân sự Mỹ trên vùng trời phía Tây Nam Đài Loan, và việc máy bay ném bom quân sự Mỹ xâm nhập Vùng nhận dạng Phòng không Biển Hoa Đông có nằm trong chiến lược mới hay không?
Việt Anh