Hồ nước mặn lớn thứ hai ở Thổ Nhĩ Kỳ đột nhiên chuyển sang màu đỏ như máu, gây sự chú ý của người dân địa phương và khách du lịch. Theo nghiên cứu, sự phát triển của một loại tảo đã tạo nên màu sắc kỳ lạ này.
Hồ Tuz hay Tuz Golü là hồ nước mặn ở Thổ Nhĩ Kỳ, nằm trong khu vực rộng lớn ở trung tâm cao nguyên khô cằn ở Thổ Nhĩ Kỳ, cách Konya khoảng 105 km về phía Đông Bắc. Đây là hồ nước rộng thứ 2 ở đất nước có phần lục địa trải dài trên cả lãnh thổ Á, Âu. Hồ được cấp nước bởi hai dòng chính, nước ngầm và nước bề mặt, nhưng không có lối thoát ra. Do vậy, nước trong hồ rất mặn với độ mặn lên tới 32.9 % và là một trong những hồ nước mặn nhất thế giới. Hầu hết các ngày trong năm, mực nước trong hồ rất cạn, sâu chưa đầy một mét. Đặc biệt trong những ngày hè khô nóng, khi lượng nước bay hơi, để lại trên bề mặt hồ lớp muối dày tới 30 cm. Muối này được thu hoạch, tinh chế và bán trên khắp lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Trên thực tế, 63 % lượng muối tiêu thụ tại đất nước này được lấy từ hồ Tuz. Hồ Tuz là nơi sinh sống của nhiều loại sinh vật ăn tảo đỏ có tên gọi Dunaliella. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, khi nhiệt độ ngoài trời tăng cao, lượng nước bốc hơi nhanh dẫn đến độ mặn trong hồ cao lên, giết chết những loài sinh vật này ,khiến tảo đỏ phát triển nhanh. Điều này khiến màu nước trong hồ chuyển thành đỏ sẫm như máu. Theo các nhà khoa học, tảo đỏ trong hồ phát triển nhanh và có thể kéo dài tới thời điểm nóng nhất trong hè. Màu đỏ kỳ lạ của nước khiến hồ Tuz trở thành điểm đến của khách du lịch tới ngắm hiện tượng đặc biệt của tự nhiên. Năm 2001, hồ Tuz được tuyên bố là khu vực bảo vệ đặc biệt. Đây còn là nơi sinh sống của hồng hạc lớn, ngỗng trán trắng lớn và chimcắt nhỏ. Ngắm vẻ đẹp kỳ diệu của hồ nước mặn lớn thứ 2 Thổ Nhĩ Kỳ Huy Hoàng Theo AP
|
Theo SKĐS