Tinh Hoa

‘Mặt trăng là phần bị tách rời của trái đất’

Một lý thuyết mới được đưa ra bởi các chuyên gia thiên văn học, Đại học Harvard cho rằng, mặt trăng từng là một phần của trái đất, bị tách ra sau vụ va chạm với thiên thạch khổng lồ.

Mặt trăng có thể là một phần của trái đất.
Stewart là giáo sư danh tiếng của Đại học Harvard về nghiên cứu trái đất và các hành tinh. Trong khi đó, Matija Cuk là nhà thiên văn làm việc tại viện SETI, chuyên hỗ trợ tìm kiếm sự sống ngoài trái đất.

Bài báo được đăng tải trên tạp chí khoa học Science, phát hành hôm qua, dẫn nghiên cứu của 2 nhà khoa học thiên văn Sarah Stewart và Matija Cuk về sự giống nhau giữa thành phần hóa học trên trái đất và mặt trăng. Theo đó, vào thời điểm mặt trăng bị tách rời, trái đất tự quay quanh mình với tốc độ nhanh hơn rất nhiều so với hiện tại, hoàn tất một vòng chỉ trong 2-3 giờ.

Phát hiện mới này có thể làm chấn động giới thiên văn. Giải thích trên trang web của Đại học Harvard, các nhà khoa học cho rằng, với tốc độ tự quay đó, lượng vật chất bắn ra sau vụ va chạm với thiên thạch khổng lồ sẽ không thoát khỏi lực hút của trái đất, bị quy tụ lại và hình thành mặt trăng như hiện nay. Theo cách giải thích đó, mặt trăng thành hình tròn như ngày nay bởi quá trình quay quanh trái đất. Trái đất lấy lại hình dạng sau va chạm nhờ quá trình tự quay và di chuyển xung quanh mặt trời.

Trong khi đó, tồn tại những quan điểm cho rằng mặt trăng được tạo ra từ mảnh vỡ một thiên thạch khổng lồ va chạm với trái đất. Tuy nhiên, chắc chắn vụ va chạm đó không phải là chính diện bởi một thiên thạch sau va chạm vẫn có kích cỡ lớn như mặt trăng, chắc chắn sẽ phá hủy hoàn toàn địa cầu và chính bản thân nó nếu là cú đâm trực diện.

Hồng Duy

Theo Infonet

Theo Zing