Thiếu nội tạng người trầm trọng ở Trung Quốc là cơ hội khiến chợ đen buôn bán nội tạng phát triển mạnh, theo điều tra của BBC.
Từ đầu năm 2015 Trung Quốc đã tuyên bố ngừng dùng nội tạng của tử tù và chỉ cấy ghép cho bệnh nhân từ nguồn được hiến tặng.
Tuy nhiên, quan niệm, văn hóa và phong tục Trung Quốc về cái chết khiến nước này trở thành một trong những quốc gia có tỉ lệ hiến nội tạng thấp nhất thế giới. Điều này dẫn đến sự phát triển của thị trường buôn bán nội tạng chợ đen vô cùng đáng lo ngại, bởi điều buôn bán là một phần trên thân thể con người.
Lựa chọn đắng cay
Một người mẹ đáng ra không bao giờ phải thực hiện quyết định này: lựa chọn xem trong hai đứa con của mình, ai là người được sống. Đây là quyết định mà bà Liên Vinh Hoa, 51 tuổi, phải trải qua.
Cả hai con trai của bà bị bệnh tăng u rê huyết – chứng bệnh dẫn tới suy thận. Nhưng chỉ có một trong hai người được nhận thận từ người mẹ. Cha họ bị huyết áp cao và không thể hiến nội tạng.
Trong căn hộ nhỏ đi thuê, bà Liên vẫn đau đớn khi nhắc lại thời gian đó. “Tôi không biết vì sao cả hai con trai tôi cùng bệnh,” bà nói với tôi, nước mắt ròng ròng.
Cuối cùng, có người quyết định giùm bà. Người con trai cả, Lý Hải Thanh, 26 tuổi, quyết định nhường cho em mình, Hải Tùng, 24 tuổi. “Tôi muốn nhường thận cho em vì em trẻ hơn và có cơ hội hồi phục tốt hơn,” Hải Thanh nói. Cậu buộc phải bỏ dở trường y do bệnh nặng.
“Tất nhiên tôi vẫn hy vọng được thay thận trước khi quá muộn. Nhưng nếu không được, tôi phải tiếp tục đi lọc máu.”
Nhưng cơ hội thay thận rất ít – Trung Quốc thiếu trầm trọng các cơ quan nội tạng. Suốt nhiều năm, Trung Quốc vẫn lấy nội tạng của các tử tù để đáp ứng nhu cầu. Sau khi bị quốc tế lên án, Bắc Kinh nói từ đầu năm 2015 đã ngừng cách làm này – tuy các quan chức thừa nhận sẽ rất khó để đảm bảo quy định được tuân thủ. Nay chính quyền nói sẽ chỉ dựa vào nguồn hiến tặng nội tạng của người dân.
Trung Quốc lập ngân hàng nội tạng mà trên lý thuyết, có thể cung cấp tới những người phù hợp và có nhu cầu cấp thiết. Nhưng các nhà chỉ trích cho rằng hệ thống này dễ bị lạm dụng và những người có quan hệ sẽ được ưu tiên. Có lẽ vấn đề lớn nhất và trước tiên mà chính quyền đối mặt là thuyết phục được người dân tham gia hiến nội tạng.
Rất nhiều người Trung Quốc tin rằng thân thể là thiêng liêng và phải được chôn cất toàn vẹn nhằm thể hiện sự tôn kính với tổ tiên. Đa số vì lý do này mà tỉ lệ hiến tặng ở đây thấp nhất trên thế giới – 0,6 trên 1 triệu người, so với 37 trên 1 triệu người ở Tây Ban Nha.
Bán thận để trả nợ
Chính quyền nói hơn 12.000 ca thay nội tạng sẽ được thực hiện trong năm 2015 – con số lớn hơn so với khi còn dùng nội tạng tử tù. Nhưng với khoảng 300.000 người cần đến nội tạng, chợ đen có cơ hội phát triển nhanh chóng.
Sau nhiều tuần điều tra, một nam thanh niên bán thận đồng ý nói chuyện với tôi với điều kiện ẩn danh.
Vén áo phông lên, anh chỉ cho tôi thấy vết sẹo dài nơi nội tạng của anh đã được lấy ra.
Người thanh niên 21 tuổi nói anh bán thận với giá 7.000 USD để trả nợ chơi cờ bạc.
Anh mô tả lại thế giới tối tăm, bí mật nơi những người buôn bán nội tạng làm việc sau khi sắp xếp vụ trao đổi qua mạng.
“Lúc đầu tôi được mang tới bệnh viện để lấy mẫu máu và khám sức khỏe,” cậu nói với tôi.
“Sau đó tôi đợi ở khách sạn trong vài tuần cho tới khi những người buôn bán tìm được người phù hợp.
“Rồi một hôm, một chiếc xe hơi tới đón tôi. Người lái xe bắt tôi phải bịt mắt. Chúng tôi đi khoảng nửa tiếng trên đoạn đường xóc lên xóc xuống.
“Khi bỏ băng bịt mắt ra, tôi thấy mình đang ở một nông trại. Bên trong là phòng mổ được trang bị đầy đủ. Có bác sỹ và y tá mặc đồng phục.
“Người phụ nữ nhận thận của tôi cũng ở đó cùng gia đình. Chúng tôi đã không nói chuyện.
“Tôi rất sợ nhưng bác sỹ sau đó đã cho tôi ngủ. Tôi tỉnh dậy ở một nông trại khác – thận tôi đã ra đi.
“Người mua thận muốn được sống còn tôi muốn tiền.”
Đây là câu chuyện lạ lùng mà chúng tôi chưa thể kiểm chứng độc lập. Nhưng nó hé mở cho thấy ngành kinh doanh bất hợp pháp mà những người buôn bán dùng chiến thuật kiểu quân đội để giấu nó trong bóng tối.
Một trong những người không muốn mua nội tạng bất hợp pháp là Lý Hải Thanh. Em trai anh đã được cấy thận của người mẹ. Anh muốn được ghép thận đến mức tuyệt vọng nhưng nói anh sẽ chỉ chấp nhận thận hợp pháp.
Trong lúc chờ đợi ca mổ sống còn, anh phải tới bệnh viện ba lần mỗi tuần để lọc máu. Cuộc sống của anh như đang tạm ngừng. Anh mong một ngày kia sẽ tạo lập được doanh nghiệp riêng thành công nhưng giấc mơ đó có thể sẽ không bao giờ đến. Cũng giống như nhiều người khác ở đây, anh sợ mình sẽ chết trước khi được ghép thận.
Theo BBC Tiếng Việt