Tinh Hoa

Mất giấy phép lái xe phải thi lại: Đề xuất khiến cư dân mạng phải “dậy sóng”

“Giấy phép lái xe là chứng chỉ nghề, giống như bao chứng chỉ nghề khác và không có luật nào quy định khi anh đánh mất chứng chỉ nghề thì anh phải học lại nghề đó”… Đây là một trong rất nhiều bình luận của bạn đọc về phát ngôn của Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể.

Đề xuất của Bộ trưởng Bộ GT- VT Nguyễn Văn Thể ngay lập tức gặp phải phản ứng từ phía cộng đồng mạng xã hội. (Ảnh: Soha)

Ngày 6/3, tại phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông và giải pháp trong thời gian tới do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức, nhiều đại biểu Quốc hội và lãnh đạo ngành giao thông, cùng nhiều chuyên gia đề nghị có chế tài thật nặng đối với lái xe vi phạm.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể còn đề ra hàng loạt giải pháp cứng rắn để ngăn chặn việc “lách” luật. Trong đó Bộ trưởng đề xuất “tất cả những người mất bằng lái xe phải thi lại để tránh tình trạng lợi dụng việc này xin thêm bằng thứ 2, thậm chí bằng thứ 3″.

Ngay lập tức, đề xuất này vấp phải phản ứng từ cộng đồng mạng xã hội. Đa phần ý kiến đều không đồng tình với đề xuất này, bởi đó là việc gây tốn kém và phiền toái cho người dân.

Rất không ổn với người bị mất bằng!

Có người đưa ra ý kiến vui nhưng không phải không có lý: “Giả sử tôi bị mất giấy đăng ký kết hôn, thì tôi có được cưới lại một bà vợ khác không, hay UBND phường sẽ căn cứ vào hồ sơ gốc để cấp lại giấy khác cho tôi? Nếu tôi bị mất bằng đại học, lại cũng phải đi học lại mới được cấp mới thì thực sự quá là phi lý. Cứ cái đà này, mất giấy khai sinh thì phải đi sinh lại con mới cấp hay sao?”.

Có người đặt câu hỏi: “Giấy phép lái xe đã chuyển sang thẻ từ rồi, tại sao lại vẫn quản lý theo kiểu thủ công như vậy. Thẻ có mã vạch, trích xuất thông tin lịch sử xử phạt là ra ngay. Thậm chí, có thể trang bị cho CSGT máy đọc mã giấy phép để trích xuất thông tin ngay khi đi tuần tra kiểm soát”.

Bằng lái xe có thể bị mất vì nhiều nguyên nhân, trong đó có những lý do bất khả kháng như mất cắp, mất vì thiên tai, vì sơ ý làm rơi, vì hỏa hoạn… nếu ai làm mất bằng mà cũng phải đi thi lại mới được cấp bằng lái mới thì sẽ tốn biết bao nhiêu thời gian, tiền của.

Hơn nữa, việc lưu trữ hồ sơ gốc trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay là việc quá đơn giản, tại sao lại không thể căn cứ vào hồ sơ gốc để cấp lại cho người dân nếu bằng lái xe bị thất lạc? Nếu chỉ vì để đối phó với những người muốn gian lận, lợi dụng để xin thêm bằng thứ 2, thứ 3 mà bắt tất cả những người mất bằng lái đi thi để cấp lại thì đó là một việc quá máy móc, cứng nhắc, không cần thiết.

Mất bằng lái xe phải thi lại, vấn đề này quy định ở đâu?

Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty Luật Thiên Thanh (Hà Nội) cho rằng, bản thân ông không đồng tình với đề nghị trên của Bộ trưởng Bộ GTVT.

Luật sư Truyền cho rằng, nếu những người dân bị mất bằng lái với lý do chính đáng, rõ ràng và vẫn còn hồ sơ gốc mà bị bắt thi lại mới được cấp bằng sẽ dẫn đến những phiền hà, tốn kém tiền bạc, công sức không cần thiết.

Chưa kể, việc này sẽ dễ tạo thêm cơ hội cho các đối tượng xấu vòi vĩnh, “ra giá” để yêu cầu chuộc đối với người dân bị mất bằng: “Biết việc mất bằng sẽ phải thi lại nên nhiều người dân chắc chắn sẽ tìm mọi cách để tìm kiếm, chuộc lại bằng bị mất của mình. Khi đó, vô hình chung sẽ tạo cơ hội cho các đối tượng xấu vòi vĩnh, yêu cầu phải đưa khoản tiền cao mới cho chuộc lại bằng và dẫn tới những hệ lụy, bất ổn trong xã hội”, luật sư Truyền nói.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền. (Ảnh: Soha)

Ông nêu thêm, việc không quản lý được, tạo lỗ hổng những người vi phạm “lách luật” để có bằng thứ 2, thứ 3 là trách nhiệm của cơ quan quản lý chứ không phải của người dân.

“Tuy nhiên, việc bắt mọi người mất bằng đều phải đi thi lại để được cấp bằng mới chẳng khác nào đổ hết trách nhiệm, việc không quản lý được sang cho người dân. Điều này, đi ngược lại với những chủ trương tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng nhất cho người dân, doanh nghiệp về thủ tục hành chính mà chúng ta đang áp dụng”, luật sư Truyền nhìn nhận.

Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng VPLS Chính Pháp, Hà Nội) cũng cho hay, việc cấp lại bằng lái xe phải theo quy định pháp luật, phải có nguyên tắc chứ không phải ai muốn nói thế nào cũng được.

Ông nói, bằng lái xe chỉ là chứng nhận khả năng điều khiển phương tiện giao thông và khi đã có giấy phép rồi, điều khiển phương tiện giao thông rồi mà mất bằng thì cấp lại là chuyện bình thường. Còn việc học lại, thi lại chỉ có thể áp dụng với những trường hợp chưa học lái xe hoặc chưa đủ khả năng lái xe.

Bản chất của việc thi lại là phủ nhận kết quả thi trước đây hoặc chưa có gì đảm bảo được trình độ như bằng lái công nhận. “Đối với tất cả các loại bằng cấp đều quy định cấp lại, cấp đổi, cấp mới. Các trường hợp bị mất bằng cấp đều có quy định cấp lại. Đến những thứ quan trọng, đắt giá như bằng tốt nghiệp Đại học, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… khi mất, khi hỏng đều có thủ tục cấp đổi, cấp lại. Nếu riêng bằng lái xe bị mất phải thi lại, không biết vấn đề này quy định ở đâu và căn cứ vào cơ sở lý luận nào để ban hành quy định này?”, luật sư Cường nêu.

Vị luật sư này chia sẻ thêm, bằng lái xe là thứ nhỏ bé, thường xuyên mang theo người bởi vậy việc hư hỏng, mất mát rất dễ xảy ra. Nếu mỗi lần bị mất, bị hỏng phải đi thi lại rất tốn kém, mất thời gian, tạo cơ hội cho nhũng nhiễu, tiêu cực xảy ra.

Tuệ Tâm (T/h)