Tinh Hoa

Mất 13 năm để tìm ra hang Sơn Đoòng

Đến nay, dư âm về sự kiện hang Sơn Đoòng (Quảng Bình) được lên sóng truyền hình ABC của Mỹ vẫn còn đang nóng hổi trên các mặt báo, trên các diễn đàn ở trong và ngoài nước.

>
>

Vừa từ Mỹ về nước sau chuyến công tác, nhà ngôn ngữ học Phạm Văn Tình cho biết: “Tôi rất bất ngờ và không giấu nổi xúc động khi biết ABC – một Hãng truyền hình rất quen thuộc của Mỹ đã sang Việt Nam để thực hiện chương Chào buổi sáng nước Mỹ về hang Sơn Đoòng, một thắng cảnh thiên nhiên ở Quảng Bình của nước ta”.

Ông có thể so sánh thắng cảnh của nước ta với một số thắng cảnh của nước Mỹ mà ông đã có dịp được thưởng ngoạn?

Tôi sang làm việc tại Mỹ trong vòng một tuần (từ 26/4 đến 6/5/2015). Vì thời gian có hạn, tôi chỉ đi thăm được một bang California của Mỹ.

Tuy nhiên, dù chỉ một bang, tôi cũng đã có cơ hội đi thăm mấy thành phố nổi tiếng tại đây: Los Angeles, Hollywood, Las Vegas, San José, San Francisco… Nước Mỹ nổi tiếng về nhiều mặt. Nhưng thú thực, tôi thấy thiên nhiên của Việt Nam đa dạng hơn, đẹp hơn, hấp dẫn hơn. Những nơi tôi qua thật khó tìm thấy một cảnh quan như Phong Nha – Kẻ Bàng, Rừng Cúc Phương, Hồ Ba Bể, Tràng An Bích Động,…

Nói thế để chúng ta tự hào và có trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn những di sản tuyệt vời mà thiên nhiên đã đem lại cho chúng ta.

Ở Mỹ, khó tìm thấy một cảnh quan vô giá như Sơn Đoòng của Việt Nam

Hãng truyền hình ABC hiếm hoi lắm họ mới thực hiện một chương trình Chào buổi sáng nước Mỹ từ bên ngoài lãnh thổ. Thế mà “bỗng dưng” họ lại làm chương trình trực tiếp về hang Sơn Đoòng của đất nước chúng ta. Ông nghĩ gì về sự kiện này?

Trong suốt thời gian ở Mỹ, tôi thấy truyền thông Mỹ rất ít giới thiệu về Việt Nam. Vào đúng dịp kỉ niệm 30/4, lác đác có vài báo, vài kênh truyền hình có bài viết hay phóng sự về sự kiện này. Ít có những bài viết, phóng sự về đất nước và con người Việt Nam hôm nay.

Nay thấy ABC có hẳn một chương trình về Sơn Đoòng, đủ thấy họ đánh giá cao giá trị của thắng cảnh thiên nhiên này. Vậy thì chúng ta phải nhìn nhận lại mình. Xem ta đã có thái độ và trách nhiệm đến đâu về một “báu vật” của trời đang hiện hữu trên đất nước ta. Báu vật ấy không phải để ngắm, mà nếu biết khai thác, sẽ phát huy hết giá trị tiềm năng của nó: Những giá trị tinh thần và vật chất.

Ông Limbert và Hồ Khanh, hai người phát hiện và công bố Sơn Đoòng lớn nhất thế giới, vừa được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3. Ảnh: NVCC.

Vậy theo ông thì chúng ta phải làm thế nào để khai thác và phát huy hết giá trị tiềm năng của Sơn Đoòng nói riêng và những thắng cảnh khác ở Việt Nam nói chung?

Ta phải biết trân trọng và giữ gìn. Thắng cảnh thiên nhiên là tự có. Nó đẹp bởi sự “nguyên sơ”, chưa có sự can thiệp của con người làm lệch lạc cảnh quan vốn có. Nếu không có thái độ đúng về việc bảo tồn di sản thì rất có thể chúng ta sẽ tự hủy hoại những gì đang có. Và nếu không cân nhắc thận trọng, mọi việc làm của chúng ta (vô tình hay hữu ý) có nguy cơ phá vỡ cảnh quan, như xây dựng thêm các công trình dịch vụ, các tuyến cáp treo ở nơi này. Với nhiều nước trên thế giới, cảnh quan thiên nhiên càng giữ sao cho đúng với thiên nhiên vốn có thì càng tốt, càng có giá trị.

Đừng vì lợi ích trước mắt, đừng vì sự tùy hứng mà chúng ta làm mất nét đẹp thuần khiết của các thắng cảnh thiên nhiên. Ở đây là Sơn Đoòng với nét đẹp nguyên sơ độc đáo.

Xin cảm ơn ông!

>>
>>
>>

Theo Huy Ngọc
Thể thao & Văn hóa

Theo Tấm Gương