Người yêu toán có lẽ sẽ biết đến Maria Gaetana Agnesi. Bà là nhà nữ toán học thế kỷ 18 và là người phụ nữ đầu tiên viết sách giải tích. Sau khi để lại một tác phẩm mang tính đột phá, bà đã từ bỏ toán học vì một điều cao cả hơn… đó là phụng sự Đức Chúa Trời.
Nữ thần đồng toán học
Sinh năm 1718, Maria Gaetana Agnesi là con gái đầu lòng của ông Pietro Agnesi, nhà buôn lụa giàu có ở thành Milan. Từ nhỏ cô bé Maria Gaetana rất sáng dạ, khi lên 10 cô có thể nói 11 ngôn ngữ khác nhau. Với mong muốn nâng cấp địa vị của gia đình, ông đã để cô bé biểu diễn trong phòng khách tại Palazzo Agnesi. Maria Gaetana sẽ giảng về các chủ đề khoa học và triết học bằng các thứ tiếng.
Sự xuất chúng của Agnesi, cùng với sự giàu có và tham vọng của cha bà đúng là đã mở ra một chút cơ hội, cho phép bà được học tập và có nhiều tiếng nói hơn so với rất nhiều phụ nữ khác cùng thời.
30 tuổi, bà xuất bản cuốn Instituzioni analitiche ad uso della gioventù italiana (tạm dịch: Luận bàn Giải tích cho thế hệ trẻ Italia) và đạt được thành tựu toán học vẻ vang nhất cuộc đời. Bộ sách gồm 2 quyển, bàn luận về phép vi phân và tích phân. Quyển đầu tiên nghiên cứu về những cơ sở đại số cần để hiểu về giải tích trong quyển thứ 2.
Cuốn Luận bàn Giải tích của Agnesi dùng lối ngôn ngữ có phần cổ xưa so với hiện nay, nhưng cách tiếp cận lại rất quen thuộc. Sự quen thuộc đó khiến những sinh viên toán hiện đại khó mà hình dung được tầm quan trọng của bộ sách.
Thời bấy giờ, người ta xem trọng giải tích vì nó được ứng dụng nhiều trong vật lý, và các cuốn sách giải tích đương thời thường là tập hợp những vấn đề toán học ứng dụng. Agnesi có hứng thú với tính học thuật thuần túy của giải tích và xem đó là cách mài dũa tư duy lôgic. Cuốn sách của bà là một trong những cuốn đầu tiên không tập trung vào các ứng dụng trong vật lý.
“Đó là một cuốn sách được sinh ra với một ý tưởng khác biệt rằng tại sao toán học lại thú vị và hữu dụng”.
— Massimo Mazzotti, sử gia khoa học tại Đại hoc California
Sách được viết bằng tiếng Ý, chứ không phải tiếng Latinh là ngôn ngữ mặc định trong học thuật lúc bấy giờ. Lối hành văn cũng bình dị để hướng đến những học sinh ít được giáo dục hơn. Tuy thế, nó vẫn nhận được sự tôn trọng của các nhà toán học ở châu Âu. Họ xem đây cách tiếp cận rõ ràng tới mức bất thường đối với môn học này. Nhiều thập kỷ sau khi nó được xuất bản, nhà toán học Joseph-Louis Lagrange khuyên rằng, nếu muốn hiểu ngọn ngành các vấn đề giải tích thì nên tìm đọc quyển thứ hai của bộ sách.
Luận bàn Giải tích đã được dịch sang tiếng Anh và tiếng Pháp. John Colson, Giáo sư Toán học tại Trường Đại học Cambridge, “đã rất vất vả học tiếng Ý vì tuổi đã cao, chỉ vì mong mỏi duy nhất là dịch tác phẩm này ra tiếng Anh, để cho giới trẻ Anh quốc cũng được hưởng lợi từ nó giống như giới trẻ Ý”.
Bà được người đời nhắc tới như nữ giáo sư toán học đầu tiên. Năm 1750, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI bổ nhiệm bà làm chủ nhiệm khoa toán học, triết học tự nhiên và vật lý tại Đại học Bologna.
Từ bỏ toán học để phụng sự Chúa Trời
Bà không bước chân vào tu viện nhưng bà cũng không lấy chồng sinh con, mà chọn trở thành con chiên Thiên Chúa thế tục, cống hiến cả cuộc đời cho từ thiện. Sau này, bà làm giám đốc khu vực dành cho nữ giới tại Pio Albergo Trivulgio – trung tâm chăm sóc những người nghèo khổ và bệnh tật.
Đối với hai hình tượng của bà, một là nhân vật thánh thiện của nhà thờ Cơ đốc ở quê nhà Milan, một là nữ giáo sư toán học, sử gia Mazzotti cho rằng: “Thường thì hai nhóm người này gần như chẳng có trao đổi gì với nhau”. Quan điểm hiện đại cho rằng khoa học và tôn giáo là mâu thuẫn với nhau, nhưng rất nhiều nhân vật có tên có tuổi trong lịch sử khoa học châu Âu, đặc biệt là trước thế kỷ 19, lại là người tin vào Chúa Jesus hoặc theo một tôn giáo khác. Bản thân Isaac Newton, bên cạnh việc phát minh ra giải tích và cách mạng vật lý, đã viết ra nhiều luận thuyết về giả kim và các chủ đề tôn giáo, bao gồm những thông điệp ẩn giấu trong Kinh Thánh.
Vào thời của Agnesi, người ta cho rằng theo đuổi học thuật có thể là một dạng thức cống hiến cho Chúa Trời. Agnesi rất quan tâm tới các tác phẩm của Nicolas Malebranche, ông đã viết rằng: “Sự toàn tâm toàn ý là cách cầu nguyện tự nhiên của linh hồn”.
Nghiên cứu sâu một môn học như giải tích, đối với Agnesi mà nói, là một dạng cầu nguyện.
Theo sử gia khoa học Mazzotti, quan điểm của bà là: “Cần có trí tuệ để trở thành một tín đồ Cơ Đốc hợp cách. Nếu bạn gắng sức củng cố tri thức, thì bạn cũng đang làm điều tốt đẹp cho đời sống tinh thần”.
Bà coi trí tuệ và đam mê là hai thành phần bổ sung cho đời sống tôn giáo. Bà đã viết như vậy trong một bài luận thần bí chưa từng được đăng:
“Tâm hồn con người lặng ngắm [đức hạnh của Chúa Jesus] với niềm kinh ngạc, con tim bắt chước lại những đức hạnh ấy bằng tình yêu”.
Theo Paula Findlen, sử gia khoa học của Đại học Stanford: “Bà là một trong số rất hiếm phụ nữ dấn thân vào khoa học, nhưng bà ấy muốn gì khi hoàn thành tất cả những chuyện này? Bà chỉ muốn từ bỏ. Chúng ta không muốn chứng kiến các nhà khoa học làm những điều tuyệt vời rồi từ bỏ tất cả vì lòng kính Chúa. Đó không phải là cách nghĩ hiện đại”.
Agnesi thọ 81 tuổi. Vì sự mộ đạo và những công tác thiện nguyện nổi tiếng, chân dung của bà được lưu lại trong cuốn sách của nhà thờ San Nazaro ở Milan.
Theo SmithsonianMag
Hạ Chi biên dịch
Xem thêm: