(TNO) Câu chuyện về cô thực tập sinh Nhà Trắng Monica Lewinski xảy ra năm 1998 đã được chính nhân vật nhắc lại sau 17 năm của vụ việc cho thấy rõ ràng rằng “ức hiếp trong thế giới ảo và quấy rối trực tuyến”, khi mà những hệ lụy của truyền thông xã hội đã làm cho người ta “ngóc đầu không nổi” khi dư luận mãi về sau vẫn không buông tha cho họ.
Từ một vụ việc đơn cử của cô thực tập sinh này và các vụ khác kể từ thời điểm truyền thông xã hội phát triển có thể thấy rõ hai mặt của một vấn đề. Sức mạnh truyền thông của mạng xã hội cộng với “tâm lý đám đông” dù vô tình hay hữu ý đều có thể nhấn chìm một mảnh đời, hoặc thổi phồng một vấn đề nào đó.
Câu chuyện buồn về một nữ sinh lớp 9 ở Đồng Nai đã uống thuốc diệt cỏ tự tử vì bị bạn trai tung clip “sex” lên Facebook, hay nữ sinh lớp 12 ở Hà Nội tự tử vì bị bạn bè tung ảnh chế trên Facebook gần đây đã cảnh tỉnh mọi người về những nỗi đau rất thật của một thế giới ảo. Có thể thấy, tình trạng danh dự, uy tín, nhân phẩm của cá nhân bị xâm phạm đang ngày một tăng cao, và hậu quả mà nó để lại là rất nghiêm trọng.
Khi mạng xã hội bị lợi dụng
Câu chuyện đời tư của Hồ Ngọc Hà trong thời gian gần đây bị mổ xẻ, rồi từ đó xuất hiện hàng loạt phong trào tẩy chay Hồ Ngọc Hà và sản phẩm mà ca sĩ này đại diện làm dấy lên nhiều suy nghĩ về nguyên nhân thực sự của các phong trào tẩy chay này.
Theo “lời lẽ” của các trang web trên, lý do của phong trào tẩy chay là bởi “những sản phẩm trên bị xem là không còn giá trị nhân văn để các gia đình tin dùng”. Không dừng lại ở việc kêu gọi bằng bàn phím, nhiều bức thư điện tử, tin nhắn điện thoại và tin nhắn qua trang web được tới tấp gửi đến các nhãn hàng có sử dụng hình ảnh của Hà Hồ yêu cầu thay đổi người đại diện thương hiệu và không chọn Hồ Ngọc Hà làm người mẫu quảng cáo nữa.
Đặc điểm chung của các trang mạng xã hội này là dù mới mở và xuất phát từ phong trào tẩy chay “tự phát” nhưng vẫn có đầy đủ các slogan, hình ảnh, thông tin, bài viết kêu gọi mọi người không mua, sử dụng những sản phẩm mà nữ ca sĩ quảng cáo hoặc đại diện, thậm chí còn có ban quản trị điều hành.
Tại sao phong trào tẩy chay lại có tính chuyên nghiệp đến như vậy?
Nhiều quan điểm cho rằng đây là một hình thức tấn công doanh nghiệp đối thủ thông qua sức mạnh của mạng xã hội. Theo lẽ thường, tẩy chay người nổi tiếng đồng nghĩa với việc không tham dự những buổi biểu diễn, buổi chiếu phim… mà người này xuất hiện. Vậy tại sao phải tẩy chay sản phẩm mà ca sĩ này làm đại diện? Mục đích thật sự của phong trào tẩy chay này là gì? Phải chăng fanpage nói trên chỉ là một tấm rèm để phục vụ mục đích “tẩy chay” sản phẩm làm suy yếu doanh nghiệp đối thủ và tăng doanh thu, lợi nhuận cho bản thân?
Việc các đối thủ dùng mạng internet để tấn công, “đả kích” lẫn nhau không còn là điều mới mẻ trong nền kinh tế có tính cạnh tranh ngày càng cao ở Việt Nam hiện nay. Một trường hợp như trang web chuyên về ô tô, mở một diễn đàn có tên “Bó toàn thân với Phạm Gia – kinh nghiệm cho các bác sửa xe” mà trên đó các thành viên của trang web này đưa ra thông tin chưa kiểm chứng có tính chất bêu xấu công ty Phạm Gia.
Hai trường hợp tương tự là việc nệm Kymdan bị đưa thông tin binh phẩm không kèm chứng cứ về chất lượng của nệm và dịch vụ bảo hành trên một trang web dành cho phụ nữ và việc công ty sữa Mead Johnson bị các lời bình luận chưa được kiểm chứng về chất lượng sữa trên trang một trang web có lượng đông đảo người xem là các bà mẹ.
Tuy Cục quản lý cạnh tranh và Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao đã điều tra các vụ việc trên, nhưng nhìn chung cách thức xử lý và mức xử phạt rất nhẹ và chưa đủ tính nghiêm minh. Điển hình là việc công ty bêu xấu công ty Phạm Gia chỉ bị phạt 20 triệu đồng vì hành vi xây dựng diễn đàn chưa có giấy phép và phải xin lỗi nạn nhân.
Phản ứng của các nhà làm luật ở nước ngoài
Mạng xã hội ngày càng phát triển, việc người dùng đăng tải những thông tin chưa kiểm chứng hoặc những bài viết nêu ý kiến cá nhân ngày càng nhiều. Hầu hết trong số họ đều cho rằng đó là quyền tự do ngôn luận của mình; do đó, mình có thể đăng tải bất kỳ thứ gì mình muốn.
Tuy nhiên, nhận định này cần được xem xét lại , bởi vì một cá nhân hay tổ chức khi thực thi quyền tự do của mình, cần tôn trọng đến quyền lợi hoặc danh tiếng của người khác, không thể làm phương hại đến các cá nhân khác. Quyền tự do của một cá nhân nên được đặt trong sự tôn trọng những cá nhân khác trong cộng đồng mình đang sống. Khi quyền và lợi ích của người khác bị xâm hại bởi những bài viết và thông tin đó, pháp luật sẽ có các quy định và chế tài để bảo vệ quyền lợi của cá nhân và sự phát triển của xã hội, cũng như trừng trị, răn đe những hành vi lạm dụng như trên.
Ở Úc, nơi mà quyền tự do ngôn luận được xem là quyền cơ bản của con người và cần thiết được bảo vệ bởi nhà nước, quyền này sẽ được thực thi trong những khuôn khổ và giới hạn được qui định trong luật pháp và với điều kiện là những giới hạn này thực sự cần thiết cho việc tôn trọng quyền và danh tiếng của người khác, trật tự công, sức khỏe cộng đồng và đạo đức.
Tuy nhiên, để tránh việc các nhà làm luật đưa ra những đạo luật hạn chế quyền tự do phát biểu của người dân, việc áp dụng các hạn chế này phải được trải qua các phép thử (test) nghiêm nhặt về sự cần thiết và tính cân đối của các biện pháp hạn chế. Bên cạnh đó, việc áp dụng các biện pháp hạn chế sự tự do thể hiện chính kiến cần phải tuân thủ các mục đích của việc hạn chế này là chỉ nhằm bảo đảm việc thực thi quyền tự do thể hiện chính kiến, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng và danh tiếng của những người khác sống trong cộng đồng.
Những hậu quả nghiêm trọng của việc lợi dụng mạng xã hội nhằm xúc phạm danh dự người khác đã xuất hiện, mà thuật ngữ trong tiếng Anh là “Cyberbullying”, đã khiến cho pháp luật ở những quốc gia vốn tôn trọng quyền tự do thể hiện chính kiến này phải thay đổi.
Tại Mỹ, Jessica Logan, một nữ sinh 18 tuổi tại Trung học Sycamore, đã gửi ảnh khỏa thân của mình cho bạn trai. Tuy nhiên, hình ảnh này đã được gửi đi cho các học sinh trong ít nhất 7 trường trung học tại khu vực Cincinnati sau khi cả hai chia tay, theo như tờ Cincinnati Enquirer viết. Những hình ảnh, lời bình phẩm còn tiếp tục thông qua facebook, myspace và tin nhắn. Jessica đã treo cổ tự tử.
Sau đó, vào tháng 2.2012, Thống đốc bang Ohio John Kasich ký thông qua dự thảo 116 (House Bill 116), còn được gọi là đạo luật Jessica Logan, thành luật. Luật này mở rộng phạm vi áp dụng của “anti-bullying law” (tạm dịch là luật chống bắt nạt, uy hiếp) trong việc bắt nạt quấy rối trên phương tiện kĩ thuật số, điện tử điện thoại mạng xã hội, và mở rộng các chính sách chống các hành vi quấy rối.
Một trường hợp khác tại New Zealand, sau vụ một nhóm nam thanh niên sử dụng Facebook để đăng thông tin việc các thành viên của nhóm này “bỏ thuốc” các cô gái dưới tuổi vị thành niên rồi cưỡng dâm họ. Để đối phó với các hành vi này, Quốc hội New Zealand đã ban hành một đạo luật (có tên là The Harmful Digital Communications Bill) ngăn cấm việc các nhân, tổ chức có hành vi xúc phạm, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác.
Ở Việt Nam, mặt trái của việc sử dụng mạng xã hội cũng dần được bộc lộ khi những vụ việc gây chú ý của dư luận xuất hiện ngày càng nhiều. Có thể kể ra những trường hợp như ca sĩ Hồ Ngọc Hà bị kêu gọi tẩy chạy trên Facebook, các nghệ sĩ nổi tiếng như Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng bị mượn danh hoặc gần đây nhất là vụ việc “thánh cô bóc” đã xâm phạ m đời tư của nhiều nghệ sĩ qua nhiều bài viết của mình trên Facebook.
Cụ thể hơn, nữ ca sĩ Hồ Ngọc Hà bắt đầu bị tẩy chay khi thông tin về đời tư của cô liên quan đến việc li dị chồng được đăng tải; còn “thánh cô bóc” đã đăng tải những bài viết đưa ra thông tin đại loại như người mẫu này bán dâm, ông bầu kia có hành vi mại dâm. Đặc điểm chung của những bài đăng kiểu như vậy là thông tin không được kiểm chứng, xác thực và gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự của những người có tên trong bài.
Vậy, vấn đề đặt ra là, pháp luật của Việt Nam đã theo kịp thế giới đến mức nào trong việc bảo vệ quyền lợi của cá nhân, tổ chức khỏi việc bị xúc phạm, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm và uy tín do các hành vi lợi dụng mạng xã hội?
Luật sư Trinh Nguyễn và các cộng sự trong công ty Trinh Nguyễn |
Theo Thanh Niên