Tinh Hoa

Mang “hố tự kỷ” ra làm trò chơi, chương trình “Bố ơi mình đi đâu thế” khiến dư luận bức xúc

Trong tập 18 của chương trình “Bố ơi mình đi đâu thế?”, “hố tự kỷ” được lấy ra để làm trò chơi. Điều này khiến các phụ huynh, đặc biệt các gia đình có trẻ tự kỷ rất bất bình.

“Hố tự kỷ” trong trò chơi của tập 18 chương trình “Bố ơi, mình đi đâu thế”. (Ảnh: Internet)

Trong tập 18 của chương trình “Bố ơi mình đi đâu thế?”, 4 cặp bố con lại tiếp tục có những trải nghiệm tại đảo Kim Cương. Họ tiếp tục bước vào trò chơi “Vòng xoay Kim Cương” khi tiếng khèn vang lên.

Những người tổ chức chương trình đã chọn ô hình phạt là “hố tự kỷ” bên cạnh các ô “thư giãn, tấn công”,…

Nếu quay vào ô “hố tự kỷ”, cặp bố con phải xuống dưới hố đã đào sẵn ngồi trong vòng vài phút rồi mới được lên.

Điều này khiến các khán giả, nhất là những người quan tâm đến trẻ tự kỷ phiền lòng.

Hình ảnh các cặp bố con dưới hố tự kỷ trong tập 18, chương trình ‘Bố ơi! Mình đi đâu thế’ mùa thứ hai. (Ảnh: VTV)

Cộng đồng những người tự kỷ đã có chia sẻ ý kiến cho rằng không nên mang hình ảnh “hố tự kỷ’ ra như một trò đùa khi hiện nay có hàng vạn phụ huynh có con em tự kỷ.

Bà Trần Hoa Mai – Phó chủ tịch Mạng lưới người tự kỷ Việt Nam (VAN) cho biết VAN đã có email gửi ban tổ chức chương trình, cụ thể là ông Đỗ Thanh Hải – Giám đốc sản xuất của chương trình và đoàn sản xuất.

Theo VAN: “Nội dung của tập 18 chương trình đã vô tình tạo ra nhận thức sai về tự kỷ, cổ vũ cách dùng từ tự kỷ để chỉ trạng thái cô độc, lập dị, và cũng vô tình tạo ra định kiến không hay về khuyết tật tự kỷ. Điều này không phù hợp với những giá trị nhân văn mà tất cả chúng ta đều hướng tới….”

“Có thể sự việc trên là vô tình vì kiến thức là mênh mông nên chúng tôi muốn trao đổi một cách nhẹ nhàng trên tinh thần xây dựng để tìm ra giải pháp đúng và tốt nhất cho câu chuyện này” – bà Mai nói.

Một phụ huynh có nịckname fishsause cũng tỏ ra thất vọng, chia sẻ: “Chỉ khi bạn có 1 đứa con bị tự kỷ, bạn mới hiểu được từ này khủng khiếp như thế nào. tự kỷ không phải là dùng để giải trí hay đùa giỡn với nhau. Những gia đình có con tự kỷ đang hàng ngày, hàng giờ không ngừng chiến đấu với bệnh để đưa con cháu mình hòa nhập cộng đồng, cũng chỉ mong xã hội có cái nhìn thiện cảm, mở rộng vòng tay với các con hơn. Thế đã là điều mơ ước của biết bao bậc làm cha làm mẹ có con tự kỷ rồi…”.

Một bạn khác nói: “Tự kỷ cũng là 1 bệnh mà chương trình lại mang truyện đó ra làm trò chơi thì không nên chút nào”.

Hiện tại, đại diện đơn vị sản xuất chương trình “Bố ơi! Mình đi đâu thế?” chưa có phản hồi chính thức về vấn đề này.

Như vậy, sau hàng loạt sự cố được được phản ánh và xử phạt gần đây, dư luận lại thêm một phen “dậy sóng” về những sai phạm không đáng có liên quan tới chương trình được cho là có ý nghĩa trên sóng Đài Truyền hình Quốc gia.

Tự kỷ là một khuyết tật phát triển, điều đó đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc khẳng định trong Nghị quyết 62/139 năm 2007. Liên hợp quốc cũng khuyến nghị các quốc gia quan tâm đến vấn đề tự kỷ và lấy ngày 2/4 là Ngày Thế giới Nhận thức Chứng tự kỷ.

Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đang hướng tới nhận thức đúng và chia sẻ với người tự kỷ và gia đình của họ bằng nhiều chính sách, hành động tích cực và sự ra đời của VAN là một trong những hành động đó.

Theo vietnamnet / baomoi