Tinh Hoa

Mâm cỗ đón tết trung thu của các nước châu Á

Khi tổ chức đón tết Trung thu, người ta luôn chuẩn bị một mâm cỗ và nó mang bản sắc của mỗi quốc gia.

Trung Quốc

Mâm cỗ thưởng trăng của người Trung Quốc không thể thiếu hai loại bánh truyền thống là bánh nướng và bánh dẻo. Tuy nhiên, tùy theo từng vùng miền, người ta có các loại bánh mang hương vị riêng. Chủ yếu là bốn loại : bánh nhân sen nhuyễn, bánh nhân đậu đỏ, bánh nhân mứt hoa quả và bánh nhân ngũ cốc.

Ngày tết Trung thu, người Hoa thường quây quần, đoàn tụ bên nhau, cùng phá cỗ vì vậy bánh trung thu còn được gọi là bánh đoàn viên.

Bánh trung thu mang hương vị riêng tùy theo mỗi vùng miền

Việt Nam

Người Việt xưa không chỉ có thói quen thưởng trăng mà còn coi đó là sự báo hiệu thời tiết để dự báo cho vụ mùa sắp tới. Vì thế, người ta thường sửa soạn một mâm cỗ cúng trăng trong đêm rằm rất cẩn thận và đầy đủ, để cầu nguyện sự may mắn và thịnh vượng cho mùa sau. Mâm cỗ bao giờ cũng phải có đủ các loại hoa quả: bưởi, hồng đỏ, hồng ngâm, na, ổi, cam, mía tím, chuối tiêu và bánh nướng, bánh dẻo.

Các loại quả được cắt tỉa hoặc tạo hình rất dễ thương

Đài Loan

Bánh trung thu truyền thống của Đài Loan là loại bánh có nhiều lớp da bột giòn bên ngoài, nhân đậu ngọt kết hợp với thịt lợn ướp ngũ vị hương băm nhỏ.

Hàn Quốc

Người Hàn Quốc còn gọi tết Trung thu là  Chuseok hay Hangawi. Là một trong những lễ hội lớn nhất trong năm, cũng được diễn ra vào ngày 15/8 âm lịch, đây là lễ hội mừng mùa bội thu và cảm tạ tổ tiên của người Hàn Quốc. Vào dịp này, những người đi xa đều quay trở về quê hương để đoàn tụ và cùng thưởng thức những món ăn truyền thống như bánh songpyeon (bánh trăng khuyết) và rượu sindoju hay dongdongju.

Bánh songpyeon (bánh trăng khuyết) 

Mâm cỗ được sắp xếp cầu kỳ theo những nguyên tắc, ý ngĩa riêng

Nhật Bản

Hình ảnh thỏ ngọc giã bánh Tsukimi Dango là biểu tượng trung thu của Nhật Bản. Bánh Dango là loại bánh được làm từ bột gạo, bánh tròn mềm, với xốt mặn, ngọt đặc trưng, thường được xiên vào que tre và uống kèm trà xanh.

Vào ngày rằm trung thu Otsukimi, người Nhật bày bánh Tsukimi – Dango theo hình tam giác trên một chiếc kệ gỗ, bên cạnh là chiếc bình trang trí bằng cỏ susuki, và cũng có thể có thêm một số loại hoa quả nữa.

Sau đó họ đặt kế lên hiên nhà, hoặc gần bên cửa sổ, bất cứ chỗ nào có thể nhìn thấy trăng rõ nhất, để vừa ăn, vừa ngắm trăng. Ở một số nơi người ta cho rằng bánh Dango sau khi cúng xong để bên ngoài hiên nếu trẻ con tự ý đến lấy thì là một điều may mắn.

Bánh Tsukimi Dango

Mâm cỗ được đặt ở nơi có thể nhìn thấy trăng rõ nhất

Philippines

Bánh trung thu của người Philippines được gọi là Hopia (bánh nướng ngon). Tuy Hopia không nhiều màu sắc hay hoa văn cầu kỳ nhưng cũng vô cùng hấp dẫn bởi phần nhân phong phú. Có nhiều “phiên bản” như hopiang mungo (bán nướng đậu xanh), hopiang baboy (bánh nướng thịt heo), hopiang Hapon (Bánh nướng Nhật Bản), hopiang ube (bánh nướng khoai lang tím)…

Bánh độc đáo ở phần bột ngoài xếp lớp giòn giòn. Người ta có thể tự làm bánh thủ công tại nhà nếu có lò nướng hẳn hoi. Bánh ngon là khi bẻ ra, bột bánh thật mỏng, để lộ phần nhân khá hấp dẫn.

Bánh  Hopia với nhân đậu đỏ

Campuchia

Lễ hội trông trăng ở Campuchia diễn ra muộn hơn hẳn, thường là vào rằm tháng 10 âm lịch chứ không phải vào 15/8 như các nước khác. Lễ hội này thường được gọi là lễ hội Ok Om Pok, thường được tổ chức vào ban đêm với các lễ vật như cốm dẹp, chuối, khoai, mía…

Cốm dẹp là món ăn đặc trưng trong lễ hội trông trăng của người Campuchia. Bốc một nắm cốm dẹp dừa cho vào miệng, nghe lẫn trong vị thanh ngọt của đường, nếp, là hương vị nồng nàn của cả đất, trời.

Tổng hợp