Tinh Hoa

Mắc bệnh bạch hầu nếu bế xốc là ngừng tim, tử vong

Đó là cảnh báo của PGS.TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khi trao đổi với phóng viên về sự nguy hiểm của căn bệnh đang hành hoành ở Quảng Nam.

PGS. Trần Đắc Phu cho biết, bệnh bạch hầu rất dễ lây lan và có thể gây tử vong cho người mắc. Theo đó, nếu vi khuẩn bạch hầu lây ra tay chân, quần áo hoặc các dụng cụ sinh hoạt mà người khỏe mạnh chạm vào sau đó đưa tay lên họng cũng sẽ bị lây.

Không chỉ có vậy, trong trường hợp điều trị bệnh bạch hầu, đặc biệt là trẻ nhỏ rất dễ gây biến chứng ngừng tim. “Nhiều trường hợp khi điều trị bệnh bạch hầu chuẩn bị đưa trẻ ra viện, nếu người nhà không biết chỉ cần bế xốc trẻ lên đột ngột sẽ khiến trẻ bị biến chứng ngừng tim và nguy cơ tử vong rất cao” PGS Phu cho biết.

PGS.TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế)

Theo ông Phu, để điều trị bệnh bạch hầu, thì tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu nhất. Theo đó, vắc xin phòng chống bệnh bạch hầu có 3 loại, tùy vào từng đối tượng để sử dụng. Loại thứ nhất là trẻ dưới 1 tuổi, với đối tượng này sẽ tiêm vắc xin Quinvaxem, đây là loại vắc xin kết hợp có thành phần bạch hầu.

Loại thứ 2 là trẻ dưới 6 tuổi thì sẽ được tiêm vắc xin DTP. Còn đối tượng từ 7 tuổi trở lên sẽ được tiêm vắc xin Td, loại vắc xin này thành phần bạch hầu khác so với 2 loại trước, nhằm phù hợp với từng độ tuổi.

Ngoài ra, ông Phu cho biết thêm khi phát hiện có triệu chứng mắc bệnh, các nhân viên y tế có thể điều trị ngay cho người bệnh bằng cách cho uống kháng sinh. Tuy nhiên, đây chỉ là phương pháp điều trị ban đầu, bởi khi hết hàm lượng kháng sinh, bệnh có thể tái phát.

Cũng tại buổi trao đổi này, PGS.TS Trần Đắc Phu phủ nhận thông tin do xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam (nơi đang có dịch bạch hầu –p/v) còn khó khăn, không có điện để bảo quản vắc xin nên nhiều năm qua không tiêm chủng vắc xin cho người dân.

Ngành Y tế đang nỗ lực dập dịp bạch hầu ở Quảng Nam.

Theo PGS Phu, xã Phước Lộc có 6 thôn với hơn 800 nhân khẩu, công tác tiêm chủng được thực hiện tốt ở 4 thôn, chỉ có 2 thôn là chưa thực hiện được do tập quán người dân, chính vì thế số lượng người mắc tập chung chủ yếu ở 2 thôn này.

“Người dân ở 2 thôn này không bao giờ đi chữa bệnh, khi họ mắc bệnh họ thường đi cúng, nếu động đến họ họ sẽ bỏ lên núi ở. Ví dụ như việc đi mai tang người chết, họ đi 10 ngày mới quay về, chính vì thế gây khó khăn cho công tác y tế ở địa phương”, ông Phu thông tin.

Trước những khó khăn trên, ông Phu cho biết đã chỉ đạo ngành y tế địa phương tập trung dập dịch, hạn chế sự lây lan ra cộng đồng. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng tuyên truyền, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân ở hai thôn này.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ngày 16/7 ông Huỳnh Tấn Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam cho biết, 6 bệnh nhân nghi mắc bệnh bạch hầu không chịu ở lại điều trị, nằng nặc đòi về nhà nên trung tâm buộc phải bố trí xe để đưa họ về nhà.

Đánh giá về sự việc này, ông Dũng cho biết, việc các bệnh nhân chưa khỏi bệnh không được cách ly sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ lây nhiễm cho những người khác. Bởi vậy, trung tâm sẽ cắt cử bác sĩ đến địa phương theo dõi, tiếp tục điều trị cho các bệnh nhân cho đến khi khỏi bệnh.

Trước đó, từ ngày 30/6 đến ngày 15/7/2015 ghi nhận 13 trường hợp sốt, sưng hạch cổ, ăn uống khó, viêm họng ở độ tuổi từ 1 đến 45 tuổi, trong đó từ ngày 07-12/7/2015 ghi nhận 3 trường hợp tử vong, 10 người có biểu hiện bệnh còn lại (trong đó có 6 người được điều trị tại bệnh viện huyện Phước Sơn, 4 người được các bác sỹ trực tiếp theo dõi và điều trị tại nhà).

Điều đáng nói, Tất cả các trường hợp này đều có tiền sử không tiêm chủng vắc xin phòng bệnh từ nhiều năm trước đây.

Theo Khampha.vn