Ngày 26/6, tại Ngôi nhà xanh chung của Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở Hà Nội, Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm LHQ (UNODC) công bố báo cáo tình hình ma túy toàn cầu năm 2015, bao gồm thông tin về Việt Nam.
Theo báo cáo của UNODC, ước tính có khoảng 246 triệu người, tương đương hơn 5% dân số toàn thế giới trong độ tuổi 15-64, từng sử dụng ma túy trái phép trong năm 2013.
Số người có vấn đề sử dụng ma túy chiếm khoảng 27 triệu người, gần một nửa trong số họ là người tiêm chích ma túy. Số lượng các trường hợp tử vong liên quan đến ma túy trong năm 2013 là khoảng 187.100 người.
Hiện nay có khoảng 32,4 triệu người sử dụng các chất ma túy chứa opiods và opiates như heroin và thuốc phiện – tương đương 0,7% người trưởng thành trên thế giới. Năm 2014, sản lượng thuốc phiện toàn cầu lên đến 7.554 tấn – mức cao thứ hai kể từ cuối những năm 1930.
Nguyên nhân chủ yếu do diện tích trồng cây thuốc phiện gia tăng đột biến ở Afghanistan, nước trồng thuốc phiện nhiều nhất trên thế giới.
Cuộc khủng hoảng ở châu Á
Báo cáo của UNODC cho biết nhu cầu ma túy tổng hợp tại Đông Á và Đông Nam Á đang gia tăng nghiêm trọng. Đây là thị trường ma túy tổng hợp lớn vào loại hàng đầu thế giới, với ma túy đá là mặt hàng đặc biệt phổ biến.
Năm 2013, nhà chức trách Đông Á và Đông Nam Á thu giữ 42 tấn ma túy tổng hợp, tăng gần bốn lần so với con số 11 tấn của năm 2008. Trong thời điểm này, khối lượng ma túy đá bị thu giữ tăng gấp đôi lên 14 tấn.
Ông Tun Nay Soe, điều phối viên chương trình Giám sát ma túy tổng hợp toàn cầu (SMART), nhận định: “Sự gia tăng này cho thấy nhà chức trách đã siết chặt các biện pháp thực thi luật pháp, nhưng cũng phản ánh quy mô sản xuất và buôn bán ma túy tổng hợp trong khu vực ngày càng gia tăng.
Mọi dữ liệu đều cho thấy cung và cầu ma túy tổng hợp trong khu vực liên tục tăng trưởng trong những năm qua”.
Riêng trong năm 2013, chính quyền hầu hết các nước ở Đông Á và Đông Nam Á đều phát hiện ma túy tổng hợp.
Báo cáo của UNODC nhấn mạnh tình trạng loại thuốc estacy tràn ngập thị trường Đông Á và Đông Nam Á. Khu vực này vừa là thị trường tiêu thụ, vừa là điểm trung chuyển ma túy đi toàn cầu.
Theo AFP, nhân Ngày thế giới không ma túy, hôm Thứ Sáu (26/6) chính quyền Thái Lan và Myanmar đã tiêu hủy số ma túy có giá trị thị trường lên đến gần 1 tỉ USD. Trong đó riêng ở Thái Lan gần 9,5 tấn ma túy trị giá 600 triệu USD bị tiêu hủy, bao gồm 66 triệu viên ma túy tổng hợp.
Chung tay chống ma túy
Theo báo The Nation, Trung tâm Hợp tác phòng chống ma túy ASEAN (ASEAN NARCO) dự kiến sẽ đặt văn phòng tại Bangkok (Thái Lan). Ngoài ASEAN, các nước Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc cũng sẽ tham gia trung tâm này.
Dự án phòng chống ma túy chung của ASEAN sẽ được chia làm ba giai đoạn. Ở giai đoạn thứ nhất, các nước sẽ tập trung xây dựng mạng lưới chia sẻ thông tin, lập ra “báo cáo ma túy ASEAN” và đặt ra lịch trình cho các giải pháp.
Giai đoạn thứ hai sẽ là phát triển hợp tác sâu rộng hơn để các nước có thể đề ra các chỉ dẫn về kết nối thông tin cũng như những thủ tục và cách điều phối liên quan, đảm bảo tính bền vững và nhất quán của thông tin. Trong giai đoạn cuối cùng, các nước tham gia sẽ thiết lập cơ sở dữ liệu chung giúp theo dõi và tăng cường hợp tác liên tục.
Một chiến dịch khác có tên “Mekong an toàn” đã được bốn nước Thái Lan, Myanmar, Lào cùng Trung Quốc tổ chức nhằm truy quét việc sản xuất và phân phối ma túy ở thượng lưu sông Mekong và vùng Tam giác vàng.
Myanmar cũng đã thiết lập nhiều trạm kiểm soát để trấn áp buôn lậu ma túy. Thái Lan cũng đã chi khoảng 20 triệu baht (gần 600.000 USD) cho các chiến dịch truy quét ma túy xuyên biên giới.
Việt Nam có hơn 200.000 người sử dụng ma túy được quản lý
Theo báo cáo của UNODC, trong năm 2014 cả nước Việt Nam có 204.377 người sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý (96% nam, 4% nữ). Các cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam đã điều tra, phát hiện 21.619 vụ buôn bán ma túy, bắt giữ 31.551 đối tượng liên quan, thu giữ hơn 922kg heroin, 32kg thuốc phiện, 442kg cần sa, 353kg và 297.285 viên ma túy tổng hợp, 42,6kg cocaine, tăng rõ rệt so với năm 2013.
Ông Nguyễn Trọng Đàm, thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cho biết việc vận chuyển ma túy trái phép tại Việt Nam ngày càng phức tạp và việc sử dụng ma túy tổng hợp đang có xu hướng tăng lên.
UNODC cho biết đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng các chiến lược, chính sách về ma túy, phòng chống tội phạm và phòng chống buôn bán người.