Trong kỳ họp “Lưỡng hội” vừa qua của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), điểm đáng chú ý nhất là việc Lý Khắc Cường và Tập Cận Bình nhiều lần công khai “gây hấn” với nhau. Đặc biệt là vào ngày bế mạc Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc ĐCSTQ, nhiều lời nói và hành động của Lý Khắc Cường được coi là “bẻ lái” để bày tỏ sự bất mãn với Tập Cận Bình, điều này chứng tỏ bất đồng giữa Tập – Lý ngày càng bộc lộ rõ.
Kỳ họp Lưỡng hội ‘ngắn nhất trong lịch sử’
Vào ngày 28/5, Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc ĐCSTQ đã bỏ phiếu vào ngày bế mạc để thông qua “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” vốn bị dư luận quốc tế chỉ trích mạnh mẽ.
Vào lúc 4 giờ chiều cùng ngày, Lý Khắc Cường đã tổ chức một cuộc họp báo dành cho phóng viên trong và ngoài nước. Một số phóng viên đã đặt câu hỏi về “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông”, câu trả lời của Lý Khắc Cường được coi là “ngắn nhất trong lịch sử” của cuộc họp báo Lưỡng hội, chỉ vỏn vẹn trong 45 giây và 118 chữ.
Lý Khắc Cường cho hay, chính phủ trung ương nên quán triệt, thông suốt “một quốc gia, hai chế độ” và “hỗ trợ” chính phủ đặc khu và Trưởng Đặc khu hành chính. Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc đã thông qua quyết định có liên quan đến an ninh quốc gia, cho thấy chính quyền trung ương muốn thúc đẩy “một quốc gia, hai chế độ”, “bình ổn và lâu dài”.
Khi trả lời câu hỏi, Lý Khắc Cường đã lướt nhìn “đáp án tiêu chuẩn” trên bàn ba lần và “bỏ qua” cơ hội giải thích với thế giới với tư cách là một thủ tướng. Ông dường như muốn bày tỏ thái độ rằng “‘Luật An ninh Quốc gia’ không liên quan gì đến tôi”.
Khi “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” được đưa ra bỏ phiếu, việc Lý Khắc Cường sử dụng ngón giữa để nhấn nút “Đồng ý” màu xanh lá cây cũng được lan truyền trên mạng Internet.
Cư dân mạng đùa cợt nói: “Đây là một cử chỉ tay mà toàn thế giới muốn làm với ĐCSTQ”. Dù chưa biết “ngón giữa” của Lý Khắc Cường hàm ý sự bất mãn, hay là động tác theo quán tính, nhưng cư dân mạng hầu hết đều có nhận định chung rằng đó là biểu hiện “Tập – Lý bất hòa”.
Lý Khắc Cường đã phá vỡ giấc mộng “tiểu khang” của Tập Cận Bình
Trong cuộc họp báo ngày hôm đó, Lý Khắc Cường đã được hỏi liệu nhiệm vụ “xóa đói giảm nghèo” năm nay có thể hoàn thành thuận lợi hay không. Ông thẳng thắn nói rằng, thu nhập bình quân đầu người hàng năm của Trung Quốc là 30.000 nhân dân tệ (NDT), nhưng có 600 triệu người thu nhập hàng tháng chỉ có 1.000 NDT, “1000 NDT rất khó để thuê nhà ở một thành phố bậc trung, hơn nữa giờ dịch bệnh hoành hành nên càng khó khăn hơn”.
Lý Khắc Cường cũng nói rằng, do ảnh hưởng của dịch bệnh, một số người có thể “tái nghèo” và nhiệm vụ thoát nghèo thậm chí còn nặng nề hơn. Hiện tại, có khoảng 60 triệu người sống dựa vào mức trợ cấp sinh hoạt tối thiểu, bảo đảm thất nghiệp và hỗ trợ đặc biệt khó khăn. Dự kiến năm nay con số này sẽ còn tăng hơn nữa.
Ông cũng nhiều lần nhấn mạnh rằng, chính phủ trung ương đi đầu trong “những ngày tháng eo hẹp”, cần phải “giảm xuống hơn một nửa những khoản chi không cần gấp và không cần thiết”, và cũng đòi hỏi “tất cả các cấp chính quyền phải sống ‘những ngày tháng eo hẹp’”.
“Những ngày tháng eo hẹp” xuất hiện nhiều lần trong bài phát biểu của Lý Khắc Cường và bị chỉ trích là đang cố tình “phá đám” việc hiện thực hóa giấc mơ Trung Hoa về một xã hội ‘tiểu khang’ (kinh tế thường thường bậc trung) vào năm 2020 do Tập Cận Bình đề ra.
Tại Đại hội toàn quốc lần thứ 19 của ĐCSTQ vào tháng 10/2017, Tập Cận Bình tuyên bố rằng, “xóa đói giảm nghèo” được liệt vào mục tiêu chính và tất cả người nghèo ở nông thôn sẽ được xóa đói nghèo vào năm 2020.
Bất chấp dịch viêm phổi Vũ Hán hoành hành, khi Tập Cận Bình tham dự hội nghị xóa đói giảm nghèo vào ngày 6/3/2020, ông vẫn nhấn mạnh lại rằng, tất cả người nghèo ở nông thôn sẽ được xóa đói nghèo vào năm 2020, nhất định phải thực hiện theo đúng lịch trình, không được rút lui và thay đổi.
Tuy nhiên, trước sự lây lan liên tục của dịch bệnh, cái gọi là nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo và xây dựng một xã hội “tiểu khang” toàn diện của giới quan chức cấp cao ĐCSTQ giờ đã vỡ tan như ‘bong bóng xà phòng’.
“Kinh tế vỉa hè” và “Made in China 2025”
Trong kỳ họp Lưỡng hội, Lý Khắc Cường cũng một lần hiếm hoi nói rằng, ông thấy một thông điệp trên trang web của chính phủ ĐCSTQ, “Khoảng một phần ba trong số đó là đang nói về việc làm”. Ông cũng ca ngợi “nền kinh tế vỉa hè” của Thành Đô, Tứ Xuyên đã giúp giảm bớt áp lực thất nghiệp.
Được biết, Thành Đô bắt đầu cho phép một số người bán hàng rong lưu động thiết lập quầy hàng trên đường phố, trước kia đây được coi là “lấn chiếm đường phố để kinh doanh” và bị cấm. Truyền thông địa phương đưa tin, “kinh tế vỉa hè” đã tăng thêm 100.000 việc làm cho người dân.
Tại buổi họp báo, Lý Khắc Cường bày tỏ sự ủng hộ đối với cách làm của Tứ Xuyên và cho rằng, những nỗ lực trong thời kỳ dịch bệnh của Tập Cận Bình nhằm thúc giục quay trở lại làm việc, duy trì xuất khẩu, và “đau đáu” nghĩ về mục tiêu lớn “Made in China 2025”, có vẻ như còn khá xa vời.
Một nhà kinh tế học với tài khoản Twitter là @caijinglengyan đã bình luận rằng: Trong kỳ họp Lưỡng hội, việc Lý Khắc Cường tiết lộ thu nhập hàng tháng của 600 triệu người là dưới 1.000 NDT và nhiều vấn đề khác, có thể nói rằng đó là một kiểu “kháng cự”, là một “cái tát” vào những ngôn luận như là giấc mộng Trung Hoa, vận mệnh chung nhân loại và xã hội “tiểu khang” năm 2020. Điều này chứng tỏ Lý Khắc Cường đã không còn chịu đựng được nữa, cuộc đấu đá trong nội bộ ĐCSTQ có thể sẽ ngày càng leo thang.
Trần Phá Không – chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc đã dẫn lời một người trong cuộc nói rằng, trước Lưỡng hội, những đặc vụ bí mật được ủy nhiệm bởi Vương Tiểu Hồng – thân tín của Tập Cận Bình, đã cưỡng chế xâm nhập vào các Bộ và Ủy ban Trung ương của Quốc vụ viện, yêu cầu giám sát công tác của các Bộ và Ủy ban, điều này đã khiến Lý Khắc Cường nổi giận, và Lý Khắc Cường đã đuổi thẳng ra ngoài. Sự việc này được cho là Tập – Lý đang công khai “trở mặt” với nhau.
Trong những năm gần đây, mối quan hệ giữa Lý Khắc Cường và Tập Cận Bình luôn bị dư luận đồn đoán. Trong thời kỳ đầu khi virus Vũ Hán lây lan, Lý Khắc Cường với tư cách là tổ trưởng của nhóm phòng chống dịch bệnh, đã đến khu vực dịch bệnh Vũ Hán để thị sát và chỉ đạo công tác chống dịch.
Sau đó, giới quan chức lại chỉ chăm chăm nhấn mạnh rằng chính Tập Cận Bình mới là người “đích thân chỉ huy, đích thân triển khai” công tác phòng chống dịch bệnh. Có bình luận cho rằng, vai trò lãnh đạo trên phương diện dịch bệnh của Lý Khắc Cường đã bị xem nhẹ và cho “ra rìa”.
Minh Huy (Theo NTDTV)