Từ Quốc lộ 1 xuôi về miền Tây, vượt qua cây cầu treo Cần Thơ nổi tiếng là đến xứ Thơm Rơm. Miền đất được mệnh danh là “sát thủ” bắt cá ấy đã là đề tài cho nhiều tác phẩm thơ ca, nhạc, họa.
Xứ Thơm Rơm thuộc phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, Cần Thơ. Mỗi năm, có hàng nghìn tay lưới ở Thơm Rơm tỏa đi khắp vùng sông nước Cửu Long để rồi từ đó, giúp cho người lao động kiếm bộn bàng cá tôm cải thiện đời sống của mình. Trong lời bài hát “Chiếc áo bà ba”, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh có nhắc đến xứ Thơm Rơm mà không ít người đã thuộc nằm lòng, ngân nga mỗi khi ra vườn, ra ruộng. “… Ngày nắng Thơm Rơm xôn xao mùa lúa chiều Về bến Ninh Kiều thấy chàng đợi người yêu…”
Đươn (đan) lưới.
Những tay lưới chờ người đến mua về giăng cá. Qua chuyến đi thực tế, chúng tôi được những bậc cao niên trong xóm này cho biết cư dân Thơm Rơm phần lớn phát tích từ huyện Phú Vang – Thừa Thiên Huế. Họ đã vào đây sinh sống hơn mấy mươi năm. Xứ Thơm Rơm ngày nay nổi danh với nghề đươn lưới, chế tạo nên những tay lưới phục vụ cho bà con miệt này. Vào tháng Tư, tháng Năm khi những cơn mưa mùa bắt đầu trút nước, đồng ruộng, sông ngòi, phủ một màu trắng xóa. Đây cũng là lúc người dân miền Tây Nam bộ bắt đầu vào vụ cá. Người Thơm Rơm cũng rộn ràng làm lưới để bán. Người Thơm Rơm đươn lưới bằng dây gân nên bóng loáng, phía trên có dây cạp viền gắn nhiều phao xốp, phía dưới đáy gắn những miếng chì nhỏ, khoảng cách đều nhau. Có lẽ vì thế mà lưới Thơm Rơm tạo nên mặt phẳng trong nước. Cá “chạy” nhiều hơn, vì thế lưới xứ Thơm Rơm càng nổi tiếng. Chiều chiều, dọc theo kênh rạch hay trên cánh đồng nước nổi, những chiếc xuồng ba lá được người miền quê chống bằng sào đi thả lưới. Sáng hôm sau thăm lưới, gỡ cá… Hình ảnh ấy đã trở nên quen thuộc cũng như lưới Thơm Rơm đã dần khẳng định một thương hiệu. Bài, ảnh: Hồng Khuyên
|
Theo Dân Việt