Trong gần một thập kỷ, luật sư nhân quyền nổi tiếng người Canada, ông David Matas đã đóng một vai trò quan trọng trong việc làm nổi bật tội ác chống lại nhân loại của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với các học viên Pháp Luân Công.
Người đã được nhận Huân chương danh dự Canada vào năm 2010 và đồng nghiệp của mình, cựu Quốc vụ khanh Canada khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, ông David Kilgour, đã được đề cử giải Nobel Hòa Bình bởi việc điều tra và phơi bày hoạt động mổ cướp nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công. Họ bắt đầu công việc từ đầu năm 2006, khi tin tức kinh hoàng về việc mổ cướp tạng lần đầu tiên được lan truyền.
Ông Matas đã chú ý đến loạt vụ kiện cựu Tổng Bí thư ĐCSTQ Giang Trạch Dân của các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc trong vài tuần qua. Ông cho rằng đây là một tiến triển tích cực. Ông Matas nói việc khởi tố Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai vì tội ác đối với Pháp Luân Công sẽ gửi đi một thông điệp rõ ràng đến những người vẫn đang dính líu đến cuộc bức hại.
“Có rất ít chuẩn mực nhân quyền liên quan đến Pháp Luân Công được tôn trọng hoặc không bị vi phạm. Vấn đề với bè đảng của Giang Trạch Dân không phải là truy tìm tội ác, một điều khoản hay chuẩn mực mà họ vi phạm, mà vấn đề là tìm ra kẻ thủ ác”, ông nói.
Ông Matas nói cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc diễn ra toàn diện, có hệ thống và lan rộng. “Tội phạm không chỉ là Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang, mà là cả một mạng lưới rộng khắp liên quan đến ban lãnh đạo bệnh viện, lính canh nhà tù, nhân viên y tế”.
“Câu hỏi là, điều gì có thể chấm dứt nạn cấy ghép tạng bất hợp pháp hiện nay? Nếu bạn bắt đầu đưa thủ phạm ra công lý vì loại tội lạm dụng ghép tạng này, điều đó sẽ rất hiệu quả trong việc ngăn chặn nó, bởi vì mọi người sẽ nói: ‘Nhìn xem, chúng ta sẽ gặp nguy cơ bị kiện khi tiếp tục làm việc này’. Nếu họ không làm thế, nguy cơ thật sự là nó sẽ vẫn tiếp diễn”, ông Matas nói.
“Để ngăn chặn tội ác lặp lại, các bạn phải thừa nhận tội ác này tồn tại, và các bạn phải đưa thủ phạm ra công lý. Việc miễn tội có thể khiến nó tái diễn”, ông nói.
Trung Quốc cần một hệ thống pháp lý chuẩn
Liên quan đến hệ thống pháp lý, ông Matas cho rằng: “Điều lý tưởng là, ông Giang nên bị đưa ra trước công lý vì những tội ác mà ông ta đã gây ra, trong một phiên xét xử công bằng có quyền bào chữa. Những gì đã làm với Chu Vĩnh Khang là tốt, nhưng người ta không xử đúng tội và không theo đúng cách”.
“Tôi muốn nhìn thấy một hệ thống pháp lý chuẩn, bởi vì vấn đề không chỉ là đưa ông Giang ra trước công lý. Đó là đang ghi vào sử sách, và cố gắng ngăn nó tái diễn, tránh việc tạo ra sự miễn tội có tính hệ thống, và gửi thông điệp cho những người vi phạm khác”.
“Rõ ràng không chỉ có một mình Giang Trạch Dân. Ông ta là người cầm đầu kéo theo sự dính líu của nhiều người. Bất kể sự khởi tố nào liên quan đến Giang Trạch Dân đều ngụ ý nhắm đến toàn bộ hệ thống… Chúng ta cần một dạng thức pháp lý có thể truy tới gốc rễ của vấn đề“.
“Tôi muốn ông ta bị đưa ra tòa vì giết hại các học viên Pháp Luân Công hơn là bị khởi tố vì điều gì khác, bởi vì công lý có tác dụng giáo dục. Nó sẽ giúp lưu tư liệu về những gì xảy ra với Pháp Luân Công và giúp chấm dứt tội ác”, ông Matas nói.
Giang Trạch Dân bức hại Pháp Luân Công để đạt được quyền lực
Ông Matas nói, cho đến nay, các vụ kiện Giang Trạch Dân dường như rất hiệu quả: “Có những tín hiệu mang lại hy vọng. Trước hết, kiện cáo là được phép. Mọi người không bị bắt giữ vì khiếu kiện. Thủ phạm bức hại Pháp Luân Công đang bị khởi tố, như Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai. Có vẻ như đó là một làn sóng nhắm vào Giang Trạch Dân, người chỉ đạo cuộc bức hại”.
“Giang Trạch Dân là một sát nhân. Ông ta dùng việc giết người như một phương cách để đạt được quyền lực và duy trì quyền lực. Những gì ông ta làm là tạo ra kẻ thù trong trí tưởng tượng. Pháp Luân Công là mục tiêu số một… Đối với ông ta, cuộc bức hại Pháp Luân Công là phương tiện duy trì quyền lực. Thông qua Phòng 610, ông ta đã xây dựng một cơ cấu song song xuyên suốt trong toàn xã hội do chính ông ta kiểm soát. Nó trở thành bệ đỡ quyền lực cho ông ta. Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai là những môn đệ của ông ta”.
Theo Minhhue.net