Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga hôm 4/10 tuyên bố ban hành “Lệnh khẩn cấp” và “Lệnh cấm che mặt” đã khiến 18 khu vực dân cư Hồng Kông đồng loạt xuống đường biểu tình. Người dân Hồng Kông cũng đổ xô tới siêu thị để mua thực phẩm tích trữ, rút tiền mặt, nhiều trường đại học tuyên bố nghỉ học, không ít cửa hàng đóng cửa sớm.
“Luật khẩn cấp” khiến Hồng Kông rơi vào hỗn loạn
Chiều 4/10, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga tuyên bố, căn cứ theo “Pháp lệnh quy định trường hợp khẩn cấp” để ban hành “Luật cấm che mặt“, cấm người biểu tình sử dụng vật che mặt trong các hoạt động công cộng. Người vi phạm sẽ bị giam cầm 1 năm hoặc bị phạt 25.000 đô-la Hồng Kông. Lệnh cấm sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/10.
Sau khi lệnh cấm được ban hành, người Hồng Kông tại 18 khu vực đồng loạt biểu tình. Đây là lần đầu tiên, phong trào biểu tình tự phát được toàn dân Hồng Kông ủng hộ. Trong đám người kháng nghị, có người vừa mới đi làm về còn mặc âu phục, học sinh còn nguyên đồng phục, có cả người đầu đã bạc phơ, cũng có những người biểu tình mặc áo đen che mặt.
Người dân hô to khẩu hiệu “Người Hồng Kông, phản kháng”, “Giải tán đội cảnh sát, khẩn cấp” cùng với “Chính phủ Hồng Kông, bán đứng người Hồng Kông”, tại các cửa hàng còn dán bảng “Che mặt vô tội, lập pháp vô lý”.
Tuy bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã nhấn mạnh, “Lệnh khẩn cấp” không có nghĩa là Hồng Kông tiến vào tình trạng khẩn cấp, nhưng người dân Hồng Kông đã bắt đầu chuẩn bị cho những chuyển biến xấu có thể xảy ra.
Chiều muộn 4/10, người dân Hồng Kông xếp hàng dài trong siêu thị để mua hoa quả, rau thịt để dự trữ. Ngoài siêu thị, tại quầy giao dịch và các máy ATM ở các ngân hàng cũng chật kín người xếp hàng chờ rút tiền.
Một nhân viên ngân hàng là anh Lưu chỉ trích “Lệnh cấm che mặt” là áp chế quyền biểu đạt ý kiến của người dân: “Lúc trước biểu tình ôn hòa, 1 triệu, 2 triệu người xuống đường, chính phủ đều phớt lờ yêu cầu của họ. Lập pháp chỉ tạo ra khủng bố trắng, khiến người dân không thể che mặt mà xuống đường biểu tình”.
Cùng ngày, trường đua ngựa Hồng Kông tuyên bố đóng cửa trước 5h10 chiều, toàn bộ các khu vực có cửa hàng cũng tạm dừng buôn bán, bao gồm cả các trung tâm thương mại lớn, như Trung tâm Tài chính quốc tế, New Town Plaza, khu vực APM đều đóng cửa vào lúc 6h chiều. Các cửa hàng đồng loạt yêu cầu khách rời đi. Khu vực Vượng Giác, Tiêm Sa, rất nhiều cửa hàng ngưng hoạt động, các khu vực như trong tình trạng giới nghiêm.
Đại học Baptist Hồng Kông, Đại học Thành phố Hồng Kông, Đại học Giáo dục, Học viện Chu Hải, Học viện Biểu diễn Nghệ thuật đồng loạt cho sinh viên nghỉ học. Đại học Khoa học Kỹ thuật, Đại học PolyU, Đại học Mở Hồng Kông cũng hủy bỏ các buổi học sau 6h.
Nghị viên Hội đồng lập pháp: “Cách làm ngu ngốc!”
Nhận định về vấn đề này, nghị viên Hội đồng lập pháp Hồng Kông Phạm Quốc Uy cho rằng, cách làm của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga là “ngu ngốc”, chính phủ dùng một luật tà ác khác để chuyển dịch góc nhìn, không hồi đáp 5 yêu cầu của người dân, tin rằng người dân Hồng Kông sẽ không từ bỏ các yêu cầu của mình, thậm chí xung đột sẽ nghiêm trọng hơn.
Cựu Chủ tịch đảng Dân chủ Hồng Kông Hà Tuấn Nhân chia sẻ với tờ Epoch Times cho biết, ảnh hưởng của việc thông qua “Luật khẩn cấp” vô cùng sâu rộng, “Luật Cấm che mặt” chỉ là bước đầu trong việc khởi động quyền của “Luật khẩn cấp”.
Một khi “Luật khẩn cấp” được thông qua, Trưởng Đặc khu Hồng Kông và Hội nghị Hành chính sẽ có nhiều quyền lực hơn, đây cũng là điều mà quốc tế vô cùng quan tâm. Tiếp sau đó có thể là sẽ yêu cầu báo chí đóng cửa, có thể đóng băng công ty, thậm chí là tài chính và tài sản cá nhân, có thể bắt bớ nghi phạm, khiến cho hoàn cảnh ở Hồng Kông hoàn toàn thay đổi, Hồng Kông có thể sẽ trở thành một xã hội mà cảnh sát có quyền vô hạn.
Mặt trận Nhân dân về Nhân quyền Hồng Kông cho rằng, người cần cấm che mặt nhất chính là lực lượng cảnh sát. Hành động nhiều lần lạm dụng vũ lực chí mạng trong thời gian gần đây của cảnh sát Hồng Kông, chính là vì lực lượng cảnh sát cho phép che số hiệu cảnh sát viên, che mặt khiến công chúng không cách nào giám sát cảnh sát, không thể khiếu nại, truy cứu và truy cứu về sau. Mặt trận Nhân dân “kính thỉnh” lực lượng cảnh sát hãy làm gương, không nên mượn quyền lực lập pháp của Luật khẩn cấp.
Dưới đây là một số hình ảnh người Hồng Kông đồng loạt biểu tình để phản đối “Luật cấm che mặt” của chính quyền đặc khu.
Khải Hoàn (Theo NTDTV)