Tinh Hoa

Lót ổ đã gọi được đại bàng: “Thái tử” Samsung sẽ đến Việt Nam

Tờ Yonhap đưa tin, Phó chủ tịch Samsung Lee Jaeyong sẽ có cuộc diện kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trao đổi về việc mở rộng sản xuất của doanh nghiệp này tại Việt Nam vào hôm nay (20/10).

Phó chủ tịch Samsung Lee Jaeyong. (Ảnh: Business Insider)

Yonhap dẫn nguồn tin ẩn danh cho biết có thể ông Lee sẽ công bố kế hoạch đầu tư mới, bao gồm xây dựng nhà máy pin tại Việt Nam. Ngoài ra, ông Lee Jae-yong cũng đã tới thăm các tổ hợp sản xuất thiết bị điện tử gia dụng, thiết bị di động và linh kiện của Samsung tại Việt Nam.

Đại diện Samsung cũng mong chờ sự hỗ trợ từ chính phủ Việt Nam trong việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa hai bên.

Ông Lee Jae-yong là con trai Chủ tịch Lee Kun Hee, hiện giữ chức vụ Phó chủ tịch Tập đoàn Samsung. Theo bảng xếp hạng tỷ phú của Forbes, ông Lee là người giàu thứ ba Hàn Quốc với khối tài sản 6,8 tỷ USD.

Trước đó, các nguồn tin cho biết gã khổng lồ điện tử đã lên kế hoạch chuyển dây chuyền sản xuất sang những thị trường mới sau khi rút khỏi Trung Quốc.

Đây là lần thứ 2 ông Lee đến Việt Nam. Lần thứ nhất vào cuối tháng 10/2018, ông đã có cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các quan chức cao cấp của Chính phủ Việt Nam. Sau cuộc gặp này, dự án Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) đã được triển khai xây dựng tại Khu đô thị Tây Hồ Tây, với vốn đầu tư 220 triệu USD.

Tập đoàn Samsung bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1995 như một nhà khai thác thị trường với nhà máy lắp ráp thô sơ tại Thủ Đức. Năm 2008, tập đoàn này nhận giấy phép đầu tư 670 triệu USD vào nhà máy điện thoại di động tại Bắc Ninh.

Đến nay, Samsung đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư lên tới trên 17,3 tỷ USD, trong đó nguồn vốn tập trung vào 3 khu tổ hợp công nghệ cao tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP.HCM.

Nối tiếp sau các thương vụ lớn với Pegatron và Nhật Bản, cuộc viếng thăm của vị “thái tử” Samsung lần này được trông đợi sẽ mang đến cơ hội đưa tới nguồn FDI chất lượng cao vào Việt Nam nhờ làn sóng chuyển dịch chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Từ Thức (t/h)