“Nhị long bất tương kiến”, lời nguyền này đã ám ảnh triều Minh trong suốt 30 năm. Cái chết xảy ra với 2 người con trai khiến cho hoàng đế Gia Tĩnh càng thêm khiếp sợ.
Là Thân Vương 17 năm cho đến khi lên ngôi Hoàng đế, không được phong Thái Tử dù chỉ một ngày (Thân Vương là người thân của vua, con vua không được phong thái tử cũng gọi là Thân Vương). Vị hoàng đế này chính là Long Khánh đế Chu Tái Hậu (Long Khánh: niên hiệu vua Minh Mục Tông, công nguyên 1567-1572). Có sự tình này là bởi vì trong đầu hoàng đế Gia Tĩnh – phụ thân của ông, lúc nào cũng nghĩ tới lời nguyền trong câu ma chú “Nhị long bất tương kiến” mà bất an.
Người nói ra “Nhị long bất tương kiến” này là Đào Trọng Văn, một phương sĩ nổi tiếng thời đó. Trước đây ông tên là Khúc Chân, ông và một phương sĩ khác là Thiệu Nguyên Tiết được Gia Tĩnh tin dùng. Có một lần hoàng đế Gia Tĩnh đi thăm mộ phụ thân, Thiệu Nguyên Tiết bị ốm nên nhờ Đào Trọng Văn đi thay.
Không biết là Đào Trọng Văn ăn may, hay từng du hành đến tương lai, lúc đi đến Vệ Huy, ông nói ra lời tiên đoán rằng hôm nay có hỏa hoạn.
Gia Tĩnh nửa tin nửa ngờ, kết quả đêm đó Hành Cung có hỏa hoạn. Gia Tĩnh lúc ấy mới bôi phục Đào Trọng Văn, và phong cho Đào Trọng Văn chức “Tìm phong thần tuyên giáo chấn pháp bảo vệ quốc hoằng”, sau này còn phong làm người đứng đầu Lễ Bộ thượng thư.
Được hoàng đế tin tưởng trọng dụng phong chức, Đào Trọng Văn cũng tận lực báo đáp, cả ngày chăm chỉ, từ sáng đến tối bấm đầu ngón tay nghiên cứu về số mệnh.
Vào tháng 8 năm Gia Tĩnh Đế thứ 13 (tháng 8 năm 1533), con trai cả của Gia Tĩnh là Chu Tái Cơ, sinh ra mới được hai tháng đã bị bệnh mà chết. Trong lúc Gia Tĩnh đang đau buồn thì Đào Văn Trọng nói ra nghiên cứu mới nhất của mình, chính là lời trong câu ma chú “Nhị long bất tương kiến”.
Ý nghĩa đại khái là Gia Tĩnh là con rồng thật, Thái Tử là con rồng ẩn, hai con rồng này tốt nhất là không nên gặp nhau; nếu không một trong hai con sẽ gặp chuyện không may. Trước đây Gia Tĩnh vốn là người rất sùng đạo. Từ khi mười lăm tuổi vừa mới lên ngôi đã một lòng tin vào đạo Phật, cả ngày niệm kinh, cầu xin điều lành.
Hôm nay nghe được Đào chân nhân nói vậy, rất lấy làm sợ hãi. Sau đó hai năm, Gia Tĩnh đã có ba cậu con trai là Chu Tái Hách, Chu Tái Hậu và Chu Tái Quyến. Lúc này ông lại nhớ lại câu “Nhị long bất tương kiến”. Con trai trưởng chết non mới qua ba năm, ký ức ấy vẫn còn ám ảnh, vậy nên ông quyết định ít gặp những người con của mình, hơn nữa ông cũng không phong thái tử. Mặc dù có vẻ hà khắc nhưng dù sao sinh mệnh của các con trai quan trọng nhất.
Những vị đại thần không biết nỗi khổ tâm của Gia Tĩnh, cho rằng việc sớm lập thái tử là quốc gia đại sự, quyết không thể kéo dài; cho nên, liên tục dâng tấu thư cho Gia Tĩnh mong ông sớm hạ lệnh. Gia Tĩnh lúc đầu còn kháng được, sau tấu thư cao ngập đầu người, nên buộc phải phong Chu Tái Hách làm thái tử, tình thương của ông chỉ đến đây mà thôi.
Sau đó Chu Tái Hách mỗi ngày một lớn, đã quá tuổi đi học. Gia Tĩnh thì tựa như bố dượng, làm như không biết gì, mặc kệ những bàn tán của những vị đại thần.
Nếu sự việc cứ như thế này, Chu Tái Hách sẽ trở thành hoàng đế đầu tiên của triều Minh bị mù chữ. Tuy nhiên đáng tiếc là, trời lại không chiều lòng người, bởi vì mẫu thân của Gia Tĩnh đã nhanh chóng ra mặt. Lão thái thái liên tục tìm con trai nói chuyện, tận tình khuyên bảo một lần không được thì hai lần…, thời gian lâu, Gia Tĩnh cũng phải chịu thua, cho Thái Tử đi học.
Năm ấy, Chu Tái Hách đã 14 tuổi. Nghi thức nhập học của Thái tử không giống phàm nhân, vô cùng trịnh trọng phức tạp. Với tư cách là cha, Gia Tĩnh bắt buộc phải xuất hiện. Ngay sau nghi lễ vừa mới kết thúc, Chu Tái Hách lập tức bị bệnh, không bao lâu thì qua đời.
Ma chú, quả nhiên là điều ma chú nói! Gia Tĩnh từ sự tình này rút kinh nghiệm xương máu, ông từ nay về sau tuân thủ một cách nghiêm chỉnh “Nhị long bất tương kiến”. Từ đó, ông thờ ơ, lạnh nhạt không quan tâm gì đến hai đứa con trai còn lại là Chu Tái Hậu và Chu Tái Quyến. Đi học ông cũng không quản, kết hôn cũng mặc kệ. Không chỉ có như thế, hai đứa con trai muốn gặp ông con khó hơn gặp thần tiên. Có gặp, ông cũng không nói gì, như sợ các con đến vay tiền mình vậy.
Cứ như vậy, hoàng trữ (người được xác định sẽ thừa kế ngôi vua) Chu Tái Hậu phải bất đắc dĩ sống ẩn để tránh lời nguyền kia. Năm 1566, tới lúc Gia Tĩnh Đế băng hà, Chu Tái Hậu vẫn còn là một Thân Vương. Ngày 26/12/1566, Chu Tái Hậu đăng cơ xưng đế, xóa bỏ lời nguyền “Nhị long bất tương kiến”.
Lê Hiếu, dịch từ kannewyork.com