Tinh Hoa

Loài hổ có thể bị tuyệt chủng tại Việt Nam

TPO – Nhiều chuyên gia bảo tồn cho biết, sau tê giác, loài hổ Đông Dương tại Việt Nam có nguy cơ bị tuyệt chủng khi số lượng cá thể trong tự nhiên còn rất ít.

Lực lượng chức năng Nghệ An phát hiện vụ vận chuyển trái phép con hổ nặng 120kg.

Tại lễ trao giải cuộc thi vẽ tranh ‘Hành động vì Động vật hoang dã’ do Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên ENV tổ chức hôm qua, nhiều chuyên gia bảo tồn cho biết, sau tê giác, loài hổ Đông Dương tại Việt Nam có nguy cơ bị tuyệt chủng khi số lượng cá thể trong tự nhiên còn rất ít.

Hổ Đông Dương là loài đặc hữu, chỉ có ở Việt Nam, Lào, Campuchia. Hơn 200 quốc gia trên thế giới cũng chỉ 13 quốc gia có loài hổ sinh sống. GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội động vật học Việt Nam cho biết, loài hổ Đông Dương ở Việt Nam trước đây khá nhiều, sinh sống rải rác dọc vùng biên giới với Lào, Campuchia nhưng hiện còn khoảng 30 cá thể. Loài này đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ như nguồn thức ăn cạn kiệt, môi trường sống bị chia cắt mạnh do giao thông, công trình thủy điện khiến khả năng giao phối giữa cá thể đực và cái bị hạn chế.

Cùng với đó là nạn săn bắt, buôn bán vẫn diễn ra. Giáo sư Đặng Huy Huỳnh cho biết, ở các vùng rừng nguyên sinh, khu bảo tồn, vườn quốc gia rất khó để tìm thấy dấu chân hổ con. “Năm nay tôi cùng đoàn khảo sát có đi nhiều khu vực có hổ sinh sống nhưng gần như không tìm thấy dấu vết của hổ con”, giáo sư Huỳnh chia sẻ.

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên nhận định, nền đa dạng sinh học của Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi nạn săn bắt và buôn bán trái phép động vật hoang dã, đặc biệt là nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã. Năm 2010, cá thể tê giác Javan cuối cùng của Việt Nam đã bị giết hại để lấy sừng. Với tốc độ săn bắt và buôn bán như hiện nay, hổ có khả năng là loài tiếp theo bị tuyên bố tuyệt chủng tại Việt Nam.

Về giải pháp bảo vệ, giáo sư Huỳnh cho biết, hổ Đông Dương được xếp vào sách đỏ Việt Nam và thế giới, hạng mục có nguy cơ tuyệt chủng cao. Hổ Đông Dương cũng được xếp vào Nghị định 32 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, ngăn cấm mọi hành vi săn bắt, buôn bán.

Tuy nhiên chế tài xử lý việc buôn bán trái phép còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe trong khi lợi nhuận thu về khổng lồ. “Nếu không có những biện pháp thực sự mạnh tay, khẩn cấp thì loài hổ Đông Dương sẽ không còn trong tự nhiên Việt Nam”, giáo sư Huỳnh nói.

Theo Tiền Phong