Lò sưởi tay là một trong những nét đặc trưng của văn hóa Trung Hoa xưa bởi công dụng thiết thực cho mùa đông cùng sự tinh tế với nhiều kiểu dáng và chất liệu.
Vào thời cổ đại, các học giả Trung Quốc thường học tập tại các trường tư thục phong kiến hoặc mời phu tử về nhà giảng dạy, họ được học về thư pháp hoặc vẽ tranh. Vào mùa đông, thường hay có hiện tượng chân tay tê cóng, quan viên hay phú giả phải di chuyển bằng xe ngựa hoặc kiệu có lò lửa sưởi ấm nhưng vẫn cảm thấy lạnh.
Điều này đưa đến việc sáng tạo ra lò sưởi tay với công dụng giúp sưởi ấm cho tay mà không gây bỏng. Sau này, lò sưởi tay được sử dụng rộng rãi để sưởi ấm trên con đường đến trường của dân thường lẫn người hoàng tộc.
Lò sưởi tay được cho là xuất hiện đầu tiên tại nước Sở, một nước chư hầu thời Xuân Thu (770 – 476 trước Công nguyên). Vào thời ấy, môi trường nơi đây rất ẩm ướt, vì vậy họ đốt cháy chất va-ni trong chiếc bếp nhỏ có khoét lỗ nhỏ để làm khô không khí. Hương thơm từ bếp lò sẽ giúp xua muỗi. Sau đó, các thợ thủ công xưa lấy cảm hứng từ chiếc bếp lò này và thiết kế ra những lò sưởi tay tiện lợi.
Việc sản xuất lò sưởi tay đạt đến đỉnh cao trong suốt triều đại nhà Minh và Thanh (1368 – 1912 sau Công nguyên). Vào những ngày đầu, đồng là chất liệu thường được dùng để sản xuất ra loại dụng cụ này. Chất liệu này thích hợp hơn bạc, sắt hay sứ vì nó dẫn nhiệt tốt hơn, cũng làm tay người có cảm giác ấm áp hơn. Khi chế tác lò sưởi tay bằng đồng, các nghệ nhân cũng có nhiều không gian cho sáng tạo nghệ thuật, đồng thời giảm thiểu nguy cơ bị vỡ hoặc bị ăn mòn.
Lò sưởi tay cung đình nhà Thanh được thiết kế đặc biệt cho triều đình. Các lò này là loại tốt nhất và chỉ được sử dụng trong hoàng tộc. Phần lớn lò sưởi tay dạng này được mạ vàng, tráng men đồ đồng (kỹ nghệ Kháp ti pháp lang). Kỹ thuật tráng men sử dụng những sợi chỉ đồng mảnh và tinh tế, hàn theo những đường phác thảo trong mẫu thiết kế trên phôi kim loại, sau đó chúng được sơn mài và tráng men với nhiều màu sắc khác nhau. Cuối cùng, sản phẩm được đốt nóng, đánh bóng và mạ vàng. Các họa tiết trang trí thường là động vật hoặc biểu tượng có ý nghĩa tốt lành như sếu, hươu, đôi dơi, hoa, hoặc các ký tự Trung Quốc mang ý nghĩa trường thọ.
Khi thời đại thay đổi, các lò sưởi tay bằng đồng không còn được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày và cuối cùng bị mọi người lãng quên. Tuy nhiên, chúng đã trở lại vào đầu những năm 1990, khi xuất hiện trong những cuốn sách và tạp chí, hay tại các phiên đấu giá. Và sự tinh xảo của tạo tác nghệ thuật này đã thu hút sự chú ý của nhiều người.
Cổ vật được đấu giá cao nhất là lò sưởi tay mạ vàng từ cuối triều đại nhà Minh. Ước tính mức giá ban đầu là 800 nghìn đến 1 triệu đô la Hồng Kông (hơn 100.000 USD), nhưng giá đấu cuối cùng cao ngất ngưởng 3.032.000 đô la Hồng Kông (gần 400.000 USD), khiến không ít người phải bất ngờ.
Các lò sưởi tay thật được bán với giá từ hàng chục đến hàng trăm nghìn USD. Khi số người ưa thích loại cổ vật này tăng lên, thì nhiều hàng giả bắt đầu xuất hiện.
Nhà sưu tập có thể xem ở dưới đáy lò sưởi tay, nếu chất liệu là đồng, rất có thể nó đã được chế tác vào cuối triều đại nhà Thanh hoặc đầu thời kỳ Trung Hoa Dân Quốc. Nếu được làm bằng đồng đỏ với kiểu dáng đơn giản thì có thể cổ vật này có xuất xứ thời nhà Minh. Nếu kiểu dáng lò sưởi tay hoa mỹ và bóng bẩy, thì có thể chúng được làm từ thời nhà Thanh.
Màu sắc của gỉ cũng có thể là đầu mối. Đun sôi nước soda để chải gỉ và nếu là gỉ nhân tạo thì ngay lập tức sẽ biến mất dần.
Lò sưởi tay thật sự được làm thủ công, trong khi hàng giả thường là hàng đúc. Nhìn vào các đường hàn giữa phần đáy và thân của lò sưởi tay chúng ta có thể nhận biết được hàng giả.
Iris – Theo Vision Times