Victoria Beckham thông báo bằng chữ giản thể trên phương tiện truyền thông xã hội là cô chuẩn bị mở một cửa hàng thời trang tại Hồng Kông. Tại thời điểm ấy, cô đã vô tình bước vào một trận chiến văn hóa giữa người Hồng Kông và ĐCSTQ.
“Rất vui mừng khi có mặt tại Hồng Kông! Gian hàng trưng bày sản phẩm của tôi sẽ khai trương vào ngày 18/3”. Victoria – cựu thành viên của ban nhạc Spice Girl đã đăng thông tin này trên Facebook và trang Instagram cá nhân của mình bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Trung Quốc. Mặc dù những lời lẽ như trên chẳng có ý chọc tức nhiều người dùng mạng; nhưng vấn đề chính ở đây là cô đã sử dụng chữ giản thể của Trung Quốc.
Và Victoria Beckham vô tình bước vào một cuộc chiến tư tưởng cũng như bất đồng sâu sắc về mặt văn hóa giữa người bản địa Hồng Kông và nhà cầm quyền Trung Quốc.
Trên Facebook, một người Hồng Kông có nick “Marcus Lui” đã viết: “Xin hãy tôn trọng ngôn ngữ của chúng tôi, đừng nên dùng chữ giản thể của Trung Quốc đại lục, làm ơn sử dụng chữ phồn thể, loại chữ truyền thống của Trung Quốc”.
Một nick khác tên là “Clare Sin” đã nhắc nhở Victoria – vợ của cầu thủ David Beckham: “Hồng Kông đang sử dụng loại chữ phồn thể của Trung Quốc, nếu bạn sử dụng chữ giản thể thì tôi có thể chắc chắn rằng, đối tượng khách hàng mà bạn nhắm đến không phải là người Hồng Kông”.
Hai ngày sau, Victoria Beckham đã sửa nội dung trên trang cá nhân của mình bằng cách bổ sung thêm một dòng được viết bằng chữ phồn thể. Động tác này đã được nhiều người Hồng Kông đánh giá rất cao.
“Cảm ơn vì đã chấp nhận lời khuyên của chúng tôi về việc sử dụng chữ phồn thể”, một người có nick tên là “Peg Tong” đã viết trên Facebook.
Đây là sự việc không phải bộc phát mà trong những năm gần đây, người Hồng Kông ngày càng quan tâm hơn về những dấu hiệu cho thấy chính quyền Trung Quốc đang nỗ lực làm xói mòn nền văn hóa bản địa và thay thế nó bằng những lý tưởng cộng sản cũng như những phong tục mà Trung Quốc đang dùng.
Các phương tiện truyền thông ở Trung Quốc trước những quan điểm bất đồng này, đã quyết định “đăng đàn”. Vào ngày 23/2/2016, một bài xã luận của tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, đã công kích người dân Hồng Kông và Đài Loan (vì Đài Loan cũng sử dụng chữ phồn thể) do họ đã “không thèm quan tâm” chữ giản thể. “Các thư pháp cổ đại đều đã từng đơn giản hóa các ký tự Trung Quốc. Nó không phải là một phát minh của người hiện đại”, tờ báo cho biết.
Tuy nhiên, sự thật là chính trong thời gian Chủ tịch Mao Trạch Đông nắm quyền lãnh đạo ĐCSTQ, vào thập niên 1950, việc giản thể hóa chữ Hán đã được chính quyền thực thi sau khi một kế hoạch bãi bỏ hoàn toàn chữ Hán bị bỏ dở. Vào thời điểm đó, nhiều trí thức Trung Quốc đã phản đối việc giản thể hóa chữ Hán, họ cho rằng nó làm giảm giá trị của ngôn ngữ viết khi tạo ra những ký tự vô nghĩa. Vì đã lên tiếng phản đối nên số phận của nhà khảo cổ học nổi tiếng Trần Mộng Gia trở nên bi đát hơn. Ông đã bị dán nhãn là “phần tử cánh hữu”, bị bức hại nghiêm trọng, và cuối cùng tự tử trong cuộc Cách mạng Văn hóa.
Dựa vào tính chất ẩn danh của cộng đồng trên Internet, nên cư dân mạng Trung Quốc đã quyết định đồng loạt lên tiếng để ủng hộ việc sử dụng sử dụng chữ phồn thể.
Trên trang web của tờ Paper, một công ty truyền thông có trụ sở tại Thượng Hải, một cư dân mạng đã phản ứng gay gắt khi Victoria Beckham sử dụng chữ giản thể: “Tôi đồng ý với những gì mà người dân Hồng Kông và Đài Loan đã nói. Rõ ràng là việc giản thể hóa chữ Hán đang làm xói mòn giá trị nền văn hóa của Trung Quốc”.
“Phải trải qua hàng ngàn năm mới hình thành nên được loại chữ truyền thống của Trung Quốc, trong khi chữ giản thể chỉ mất một vài tháng để làm, được tồn tại để phục vụ cho một vài chuyên gia của đảng cộng sản. Rất dễ dàng để phân biệt loại chữ nào thì hay hơn và loại chữ nào thì dở hơn”, một cư dân mạng sống tại tỉnh Thiểm Tây viết.
Xem thêm: Sự khác nhau giữa chữ Hán phồn thể và giản thể. (Nguồn: NTD Tiếng Việt)
Theo Vietdaikynguyen