Tinh Hoa

“Liên minh Five Eyes” kết luận: Bắc Kinh lừa dối, đàn áp và phá hủy bằng chứng dịch Vũ Hán

Một hồ sơ bị rò rỉ của tình báo phương Tây cho biết, ngay trong những ngày đầu phát sinh đại dịch, Bắc Kinh đã lừa dối, cố tình đàn áp và phá hủy bằng chứng. Ngoài ra, hồ sơ cũng lưu ý rằng, các thử nghiệm với virus Vũ Hán thực hiện bởi các chuyên gia tại Trung Quốc đã gây chết người.

Nguôn gốc virus Vũ Hán. (Ảnh minh họa: Internet)

Theo Daily Telegraph (Úc), dưới đây là những phát hiện chính từ báo cáo dài 15 trang bị rò rỉ và được biên soạn bởi cơ quan tình báo phương Five Eyes, liên minh tình báo 5 nước Mỹ, Canada, Anh, Úc và New Zealand.

Sự che đậy tệ hại

Một chủ đề chính trong hồ sơ là sự thiếu trách nhiệm và dối trá của chính quyền Trung Quốc “đã gây nguy hiểm cho các quốc gia khác”, khi Bắc Kinh khiến cho các bác sĩ lên tiếng về dịch bệnh đã im tiếng hoặc “biến mất”.

Các bác sĩ, những người dũng cảm lên tiếng về dịch bệnh đã bị giam giữ và lên án. Việc giam cầm họ đã được đưa lên khắp các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc với lời kêu gọi của Cảnh sát Vũ Hán: “tất cả công dân không bịa đặt tin đồn, không lan truyền tin đồn, không tin vào tin đồn”.

Hình ảnh đài tưởng niệm bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang) – người đầu tiên lên tiếng về virus Corona có nguồn gốc từ Vũ Hán, Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images)

Theo Daily Telegraph, một tweet của Global Times vào ngày 2/1/2020 viết: “Cảnh sát Vũ Hán đã bắt giữ 8 người lan truyền tin đồn về sự bùng phát của bệnh viêm phổi không xác định được tại địa phương. Các bài đăng trực tuyến trước đây cho thấy đó là SARS”.

Ngoài ra, bằng chứng đã bị phá hủy và chính quyền Trung Quốc từ chối cung cấp mẫu sống cho các nhà khoa học quốc tế nghiên cứu về vắc xin.

Tài liệu rò rỉ mà tờ Saturday Telegraph thu được nói về “việc đàn áp và tiêu hủy bằng chứng” và chỉ ra “các mẫu virus bị tiêu hủy tại các phòng thí nghiệm gen, các quầy hàng ở chợ động vật hoang dã bị tẩy trắng, trình tự bộ gen không được chia sẻ công khai, phòng thí nghiệm Thượng Hải bị đóng cửa để “sửa lại””, các bài báo học thuật để Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc xem xét trước và dữ liệu về “các ca mắc bệnh không có triệu chứng được giữ bí mật”.

Sự vô trách nhiệm của chính quyền Bắc Kinh

Hồ sơ đả kích sự dối trá liên tục của Trung Quốc về virus, lưu ý rằng “Mặc dù có bằng chứng lây truyền từ người sang người từ đầu tháng 12, chính quyền nước này vẫn không thừa nhận cho đến ngày 20/1”. Thêm vào đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng không tuyên bố điều khác hơn. Tuy nhiên, các quan chức ở Đài Loan đưa ra lo ngại sớm nhất là vào ngày 31/12, cũng như các chuyên gia ở Hồng Kông vào ngày 4/1.

Trung Quốc cũng áp đặt lệnh cấm du lịch trong nước mặc dù lên án phần còn lại của thế giới vì hạn chế đi lại với nước này.

Theo hồ sơ, “hàng triệu người rời khỏi Vũ Hán sau khi dịch bệnh bùng phát và trước khi Bắc Kinh phong tỏa thành phố vào ngày 23/1. Hàng ngàn người bay ra nước ngoài. Trong suốt tháng 2, Bắc Kinh ép Mỹ, Ý, Ấn Độ, Úc, các nước láng giềng Đông Nam Á và những nước khác không được tự bảo vệ mình thông qua các lệnh hạn chế đi lại, ngay cả khi Bắc Kinh áp đặt các hạn chế nghiêm trọng trong nước”.

Virus Vũ Hán có thể xuất phát từ phòng thí nghiệm

Mặc dù hồ sơ bị rò rỉ không đưa ra kết luận liệu virus Vũ Hán có nguồn gốc tự nhiên hay nhân tạo, nó chỉ nhắc tới một nghiên cứu ngày 6/2 từ Đại học Công nghệ Nam Trung Quốc, cho thấy virus này có thể có nguồn gốc từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.

Phòng thí nghiệm P4 tại Viện Virus học Vũ Hán ở Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào ngày 17/4/2020. (Ảnh: Getty Images)

Bài báo cáo đã bị rút xuống do tác giả chính nói rằng thiếu bằng chứng trực tiếp. Tuy nhiên, học giả Yanzhong Huang cho biết vào ngày 5/3: “Không có nhà khoa học nào xác nhận hoặc bác bỏ những phát hiện của bài báo cáo”.

Gần đây, một tuyên bố chính thức của Hoa Kỳ cũng cho là virus không phải nhân tạo, mà nó đã thoát khỏi Viện Virus học Vũ Hán hoặc CDC Trung Quốc, nằm cách khu “chợ ướt” (chợ bán hải sản, động vật sống) ở Vũ Hán khoảng 275 m – nơi các trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên xuất hiện.

Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ, người đứng đầu cộng đồng tình báo Mỹ (IC), cho biết cộng đồng đã “đồng tình với sự đồng thuận khoa học rộng rãi rằng virus Vũ Hán không phải là nhân tạo hoặc chỉnh sửa gen. IC sẽ tiếp tục kiểm tra nghiêm ngặt thông tin và tin tình báo mới xuất hiện để xác định xem liệu việc dịch bệnh khởi phát là do tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh hay là kết quả của một vụ tai nạn tại phòng thí nghiệm ở Vũ Hán”.

Nghiên cứu nguy hiểm về dơi của Trung Quốc

Trong khi sự đồng thuận của khoa học quốc tế là virus Vũ Hán không phải do con người tạo ra, hồ sơ tình báo phương Tây nhấn mạnh: Nghiên cứu của nhà khoa học Thạch Chính Lệ (Shi Zhengli) và đồng nghiệp Chu Bằng, người có các nghiên cứu về virus corona ở dơi và đã biến đổi virus corona ở dơi để thử nghiệm khả năng truyền bệnh của nó cho các loài khác.

Nhà virus học Trung Quốc, Tiến sĩ Thạch Chính Lệ bên trong Phòng thí nghiệm P4, Viện Virus học Vũ Hán ngày 23/2/2017. (Ảnh: Getty Images)

Một nghiên cứu năm 2013 được thực hiện bởi một nhóm các nhà nghiên cứu, bao gồm cả Tiến sĩ Thạch, người đã thu thập một mẫu phân dơi móng ngựa từ một hang động ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, sau đó được phát hiện có chứa virus 96,2% giống hệt virus Vũ Hán.

Theo Daily Telegraph, hồ sơ rò rỉ cũng đề cập đến công việc được nhóm thực hiện để tổng hợp các virus corona giống SARS, để phân tích xem chúng có thể truyền từ dơi sang động vật có vú hay không. Điều này có nghĩa là họ đã thay đổi các thành phần cấu trúc của virus để kiểm tra xem nó có thể truyền sang các loài khác nhau hay không.

Một nghiên cứu vào tháng 11/2015 của nhóm bà Thạch kết hợp với Đại học Bắc Carolina đã kết luận rằng: virus corona giống SARS có thể lây nhiễm trực tiếp từ dơi sang người và hiện không có cách chữa trị.

Nghiên cứu viết: “Để kiểm tra tiềm năng phát sinh (nghĩa là khả năng lây nhiễm ở người) của việc lưu hành CoVs ở dơi, chúng tôi đã tạo ra một loại virus tinh tinh mã hóa một loại protein tăng đột biến CoV mới – từ chuỗi rtSHCO14-CoV đã được phân lập từ dơi móng ngựa Trung Quốc”.

Giáo sư Đại học Bắc Carolina, Ralph Baric, tác giả của bài báo năm 2015 cho biết: “Virus này có khả năng gây bệnh cao và các phương pháp điều trị được phát triển chống lại virus SARS ban đầu vào năm 2002 và các loại thuốc ZMapp được sử dụng để chống lại Ebola không thể vô hiệu hóa và kiểm soát loại virus đặc biệt này”.

Vài năm sau, vào tháng 3/2019, Tiến sĩ Thạch và nhóm của bà, bao gồm cả ông Chu Bằng, người đã làm việc ở Úc trong 5 năm, đã công bố một bài đánh giá có tiêu đề “Bat Coronaviruses in China (virus corona ở dơi tại Trung Quốc)” trên tạp chí y khoa Viruses, họ viết rằng: “họ nhắm đến dự đoán các điểm nóng về virus và tiềm năng lây truyền chéo giữa các loài vật”, mô tả đây là vấn đề “cấp bách đối với việc nghiên cứu virus corona ở dơi tại Trung Quốc để hiểu tiềm năng của chúng trong việc gây ra dịch bệnh khác”

Ngoài ra, đánh giá của họ cũng cho biết: “Rất có thể SARS hoặc MERS trong tương lai như dịch virus corona sẽ bắt nguồn từ dơi, và có nhiều khả năng điều này sẽ xảy ra ở Trung Quốc”.

Cả bà Thạch và ông Chu đều làm việc 3 năm tại Phòng thí nghiệm Thú y của Úc – được điều hành bởi cơ quan khoa học quốc gia CSIRO. Trong khoảng thời gian từ 2011 đến 2014, ông Chu đã thu xếp cho những con dơi hoang dã bị bắt và vận chuyển còn sống từ Queensland đến phòng thí nghiệm ở Victoria, nơi chúng bị tiêu hủy, mổ xẻ và nghiên cứu về virus chết người.

Nhân viên phòng thí nghiệm Vũ Hán biến mất 

Telegraph ghi nhận trường hợp của bà Hoàng Yến Linh (Huang Yan Ling), một nghiên cứu viên tại Viện Virus học Vũ Hán, người được cho là “bệnh nhân số 0”.

Bà này hiện được báo cáo là đã mất tích, với tiểu sử và hình ảnh của bà đã bị xóa khỏi trang web của Viện Virus học Vũ Hán.

Theo Daily Telegraph, vào ngày 16/2, viện này đã bác bỏ thông tin rằng bà Hoàng Yến Linh là bệnh nhân số 0 và nói rằng bà vẫn còn sống và khỏe mạnh, nhưng không đưa ra một bằng chứng nào.

Các mốc thời gian quan trọng

Theo NTDVN