Tinh Hoa

Liên Hợp Quốc lên án Bình Nhưỡng vi phạm nhân quyền

Trong phiên họp Đại hội đồng quy tụ 193 quốc gia thành viên, Liên Hợp Quốc ngày 17/12 đã thông qua nghị quyết không mang tính ràng buộc, lên án chế độ Bình Nhưỡng vi phạm nhân quyền. Nghị quyết đã bị Triều Tiên bác bỏ ngay lập tức.

Đại diện Trung Quốc phản đối chương trình nghị sự của hội đồng Bảo An về nhân quyền Triều Tiên.

Dự thảo nghị quyết đã được thông qua với 119 phiếu thuận, 48 vắng mặt và 19 phiếu chống, trong đó có Trung Quốc, Nga, Su-đăng, Cuba, Iran, Ai Cập, Zimbabwe và Venezuela. Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã lên án các hành động vi phạm nhân quyền “hiển nhiên” tại Bắc Triều Tiên, đồng thời kêu gọi Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc đưa quốc gia này ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế (CPI).

Đây là lần thứ hai Liên Hợp Quốc ra nghị quyết về nhân quyền nhắm vào Triều Tiên. Tuy nghị quyết lần này không mang tính ràng buộc, nhưng thể hiện tầm quan trọng chính trị. Nghị quyết được đưa ra theo như đề xuất của Liên Hợp Châu Âu và Nhật Bản, lên án chế độ Bình Nhưỡng có các “hành vi vi phạm nhân quyền có hệ thống, liên tục và phổ biến”.

Đại diện của Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc đã “thẳng thừng bác bỏ” nghị quyết và cho biết sẽ có những “phản hồi mạnh mẽ nhằm chấm dứt các hành động đối đầu và gây áp lực”.

Tại phiên họp Đại hội đồng, Triều Tiên đã tố cáo nghị quyết này là “sản phẩm của một âm mưu chính trị thù địch và nham hiểm chống lại nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, với sự tham gia của Hoa Kỳ, Nhật Bản và nhiều thế lực thù địch khác hòng phá vỡ hệ thống nhà nước và xã hội Triều Tiên”.

Ngoài Bình Nhưỡng, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc còn ra một nghị quyết khác theo sáng kiến của Canada, bày tỏ mối “bận tâm sâu sắc” liên quan đến việc sử dụng các án tử hình tại Iran. Tính từ đầu năm 2015 đến nay, có hơn 800 tù nhân đã bị hành hình.

Nghị quyết đã được thông qua với 81 phiếu thuận, 37 chống và 67 vắng mặt. Trong số các quốc gia chống có Trung Quốc, Nga, Cuba, Syria, Nam Phi, Ấn Độ, Indonesia, Irak và Liban. Đây là lần đầu tiên Liên Hợp Quốc ra nghị quyết lên án tình hình nhân quyền tại Iran, kể từ sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân ký kết hồi tháng 7/2015 giữa Teheran và các cường quốc.

Theo vi.rfi.fr