Sau 14 tháng kể từ khi dịch tả lợn châu Phi (ASF) bùng phát ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc, Liên Hợp Quốc đã chính thức thông báo đại dịch nguy hiểm này đang nhanh chóng lan sang các nước như: Việt Nam, Campuchia, Lào, Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên, Philippines, Myanmar và Đông Timor.
Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) về Trung Quốc, dịch tả lợn Châu Phi – loại bệnh gây tử vong 100% trên lợn đã lan sang 21 tỉnh thành, 4 đô thị lớn, hầu hết khu vực Mông Cổ và Nội Mông, Tây Tạng, các khu vực tự trị ở Trung Quốc và cả Đặc khu hành chính Hong Kong.
Không những thế, đại dịch này còn đang nhanh chóng bùng phát và lan rộng sang khắp các nước châu Á khác.
Tính đến ngày 1/10, Trung Quốc đã tiến hành đợt xả kho thứ 3 gồm 10.000 tấn thịt lợn đông lạnh từ kho dự trữ quốc gia vào thị trường trong nước. Vậy là tính từ ngày 19/9, Trung Quốc đã xả kho tới 30.000 tấn thịt lợn đông lạnh, 2.400 tấn thịt bò và 1.900 tấn thịt cừu.
Tiến sĩ Juan Lubroth, Giám đốc thú y của FAO khuyến cáo rằng, do không có vắc-xin có sẵn để ngăn chặn sự lây lan rộng khắp của dịch tả lợn châu Phi, các nước có nguy cơ lây lan cao nên thực hiện các biện pháp an toàn sinh học hiệu quả để ngăn ngừa thịt lợn sống bị nhiễm bệnh hoặc các sản phẩm từ thịt lợn bị nhiễm bệnh qua biên giới.
Trong bối cảnh đó, ngân hàng Rabobank cũng công bố một báo cáo nêu rõ: “Dịch tả lợn châu Phi là sự kiện nghiêm trọng nhất đối với nguồn protein từ động vật trong năm nay và sẽ để lại hậu quả trong nhiều năm tới”. Có đến hơn 55% số lượng lợn trên thế giới bị nhiễm dịch ASF, tương đương khoảng 193 triệu trong số 350 triệu con đang có hiện nay.
Rabobank đưa ra dự đoán: “Sản lượng thịt lợn Trung Quốc sẽ giảm 25%, đây là điều chưa từng thấy trong năm 2019 và thậm chí sản lượng có thể giảm xuống thấp hơn vào năm 2020. Điều này sẽ để lại hậu quả kéo dài trong những năm tới”.
Tại Hội nghị Leman về thịt lợn năm 2019, bà Christine McCracken, Giám đốc điều hành Rabobank, đồng thời là chuyên gia phân tích cấp cao về protein động vật cho biết ít nhất 75% thịt lợn trên thế giới có nguy cơ lây nhiễm ASF. Bà cảnh báo nguyên nhân “sự lan rộng nhanh chóng của đại dịch ASF ở châu Á là do các hoạt động ở biên giới cùng sự vận chuyển người và lợn sang các quốc gia khác”.
Bà gọi Đông Nam Á là điểm nóng của sự phơi nhiễm dịch ASF vì thịt lợn là nguồn protein được ưa chuộng tại khu vực này. Việt Nam chủ yếu tự cung cấp thịt lợn và hiện cũng đang bị dịch ASF hoành hành khắp các tỉnh.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, mặc dù sản lượng thịt lợn nhập khẩu có tăng, nhưng giá lợn sống cũng tăng khoảng 70% trong năm nay sau khi đã tăng gấp đôi vào tháng 9. Giờ đây giá thịt lợn ở Trung Quốc đã vượt lên mức cao nhất mọi thời đại.
Rabobank dự đoán giá thịt lợn ở châu Á sẽ tăng hơn nữa vào quý IV. Trung Quốc vẫn là nước có nhu cầu thịt lợn lớn nhất từ trước đến nay, đặc biệt nước này đã phải xây dựng nhiều kho dự trữ thịt lợn để chuẩn bị cho năm mới. Với nguồn cung thịt lợn trên toàn cầu đã bị thắt chặt như gần đây thì Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Lào, Campuchia, Miến Điện, Đông Timor và bán đảo Triều Tiên sẽ buộc phải cạnh tranh giá nhập khẩu thịt lợn với nhau trong ít nhất là năm 2020.
Video: Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát ở Trung Quốc và lan ra khắp Châu Á
Trong khi đó, Hoa Kỳ có lợi thế về vị trí để gia tăng xuất khẩu thịt lợn. Bất chấp cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, sản lượng thịt lợn xuất khẩu của Hoa Kỳ vẫn tăng 3% trong năm nay và báo cáo mới nhất cũng cho thấy những con số kỷ lục về sản lượng thịt lợn trong kho dự trữ của Hoa Kỳ, bà McCracken cho biết thêm.
Giám đốc Rabobank dự báo: “Có thể sẽ phải mất ít nhất 10 năm để khôi phục những gì đã có ở châu Á. Chúng ta đang nói đến một quá trình rất lâu dài, điều đó sẽ dẫn đến sự gia tăng rất lớn về nhu cầu thịt từ Hoa Kỳ trong tương lai.
Thiện Thành (Theo Epoch Times)