(NLĐO)- Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có những ngày làm việc rất bận rộn với lịch trình dày đặc trong chuyến thăm Mỹ từ ngày 6 tới 10-7, theo lời mời của chính quyền Mỹ.
Đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm chính thức Mỹ Tối qua 5-7, Tổng Bí thư dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam gồm 14 thành viên chính thức đã rời Hà Nội lên đường thăm chính thức Mỹ theo lời mời của Chính quyền Mỹ. Theo thông báo của Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, đây là một chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử, là lần đầu tiên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm chính thức Mỹ, đặc biệt trong dịp kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Trong chuyến thăm, Việt Nam sẽ chia sẻ quan điểm với Mỹ về một số vấn đề quốc tế và khu vực quan trọng; thúc đẩy chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước đối với kiều bào ta ở Mỹ; tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của LHQ đối với công cuộc phát triển và đường lối đối ngoại của Việt Nam, thể hiện vai trò thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế. Ngoài cuộc hội đàm với tại Nhà Trắng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự kiến sẽ có nhiều hoạt động khác, trong đó gặp gỡ đại diện các tầng lớp xã hội Việt Nam-Mỹ; gặp Thượng Nghị sĩ John McCain; gặp các Nghị sĩ thuộc hai đảng Dân chủ và Cộng hòa; trao đổi về “Quan hệ Việt Nam-Mỹ trong một thế giới đang thay đổi” tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh và Quốc tế (CSIS). Tổng Bí thư cũng dự tọa đàm với doanh nghiệp Mỹ; tham dự buổi Lễ trao Giấy phép xây dựng Trường Đại học Fullbright tại Việt Nam và gặp nhóm trí thức của Trường Đại học Harvard; gặp cựu Tổng thống Bill Clinton cùng một số hoạt động khác. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton tại Hà Nội ngày 2-7 – Ảnh: Reuters Tổng Bí thư dự kiến có cuộc gặp đại diện cộng đồng người Việt tại Mỹ, gặp gỡ đại diện các tầng lớp xã hội Việt Nam – Mỹ, qua đó thúc đẩy chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước đối với kiều bào ta. Tổng Bí thư cũng sẽ gặp Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, qua đó tranh thủ sự ủng hộ của LHQ đối với công cuộc phát triển và đường lối đối ngoại của VN, thể hiện vai trò thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Chuyến thăm được diễn ra 2 năm sau khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện, có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá về quan hệ trong 20 năm qua và định hướng phát triển quan hệ song phương trong 20 năm tới, thúc đẩy các mặt hợp tác song phương, làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ.Chuyến thăm cũng sẽ khẳng định và nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam, khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thông tin từ Bộ Ngoại giao cho biết kể từ sau chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (7-2013) với việc xác lập khuôn khổ quan hệ “Đối tác toàn diện”, quan hệ hai nước đạt những tiến triển mới, thực chất trên nhiều lĩnh vực, cả về song và đa phương; sự quan tâm và hiểu biết lẫn nhau gia tăng. Phía Mỹ cử nhiều đoàn thăm Việt Nam, nổi bật là: Đoàn Cựu Tổng thống Bill Clinton (7-2014); Đoàn Lãnh tụ phe thiểu số tại Hạ viện Nancy Pelosi (3-2015); Đoàn TNS J.McCain (5-2015), Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Ngoại giao Mỹ Antony Blinken (5-2015), Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter (6-2015). Về phía Việt Nam thăm Mỹ có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (7-2013); Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị (7-2014); Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh (9-2014); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (10-2014); Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang (3-2015), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (4-2015). Việt Nam và Mỹ tiếp tục tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin, duy trì các cơ chế đối thoại quan trọng như Đối thoại Nhân quyền, Đối thoại chính trị-an ninh-quốc phòng, Đối thoại Châu Á-Thái Bình Dương… cũng như trao đổi điện đàm về các vấn đề song phương và khu vực. Hai bên cũng từng bước thiết lập quan hệ Đảng giữa hai nước, trong đó có việc đẩy mạnh các cuộc trao đổi, tiếp xúc giữa các cơ quan Đảng. Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam Từ năm 2005, Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đạt 36,6 tỷ USD trong năm 2014. Về thương mại, kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng liên tục ở mức hơn 20% trong 3 năm gần đây, trong đó ta luôn xuất siêu. Tuy nhiên, hai bên vẫn còn một số vướng mắc như: các vụ kiện bán phá giá, trợ cấp… Đàm phán TPP tiếp tục được đẩy mạnh. Về đầu tư: đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Việt Nam vẫn chưa có nhiều tiến bộ, tiếp tục duy trì ở mức gần 11 tỷ USD, xếp thứ 7 trong nhiều năm qua. An ninh – quốc phòng: Lĩnh vực hợp tác ưu tiên Mỹ chú trọng thúc đẩy quan hệ an ninh – quốc phòng, xem đây là lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt sau khi hai nước xác lập quan hệ Đối tác toàn diện (7-2013). Trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter (6-2015), hai Bộ Quốc phòng đã ký kết Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng Việt – Mỹ. Thời gian qua, phía Mỹ tiếp tục cử nhiều đoàn quan trọng thăm Việt Nam, nổi bật có Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân Martin Dempsey (8-2014), Bộ trưởng Hải quân Ray Mabus và tàu chiến Mỹ (4-2015), Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter (29-5 đến 1-6)… Hai bên đã ký Thư triển khai gói hỗ trợ 18 triệu USD (tháng 8-2014) dành cho cảnh sát biển, Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng Việt-Mỹ (6-2015) trên cơ sở MOU về hợp tác quốc phòng song phương (9-2011). Tháng 10-2014, Mỹ tuyên bố dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Hai bên duy trì đối thoại chính sách quốc phòng lần thứ 4 tại Washington DC (10-2013); Đối thoại Chính trị – An ninh – Quốc phòng lần thứ 7 tại Hà Nội (1-2015). Tiếng nói về vấn đề Biển Đông Trước tình hình căng thẳng ở Biển Đông do Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (5-2014), phía Mỹ ở nhiều cấp của Chính quyền và Quốc hội đã nêu quan ngại về tình hình biển Đông, phê phán hành động khiêu khích của Trung Quốc, đề nghị các bên giải quyết hòa bình tranh chấp, không sử dụng vũ lực và tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982, Tuyên bố về ứng xử trên Biển Đông (DOC) 2002; Quốc hội Mỹ thông qua hai Nghị quyết về Biển Đông và Biển Hoa Đông. Mỹ cũng đưa ra một số biện pháp làm dịu tình hình (sáng kiến “đông kết” – giữ nguyên trạng ở Biển Đông); tăng cường hợp tác với 4 nước ASEAN có “tuyên bố chủ quyền” ở Trường Sa (Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei). Đối thoại hàng năm về nhân quyền Về vấn đề nhân quyền, hai bên còn khác biệt. Tuy nhiên, hai bên vẫn tiếp tục duy trì đối thoại hàng năm về nhân quyền, gần đây nhất vòng 19 diễn ra ở Hà Nội tháng 5-2015. Phía Mỹ đã ghi nhận những tiến bộ nhất định của ta trong vấn đề này. D.Ngọc |
Theo NLĐ