Lenin, nhà lãnh đạo cộng sản Liên Xô là một trong số khá nhiều nhân vật từng ra lệnh cấm ngày lễ Giáng sinh nhưng không thành, theo Gerry Bowler trong cuốn sách ra mắt dịp lễ Giáng sinh 2016 tại Anh.
Cuốn Christmas in the Crosshairs: Two Thousand Years of Denouncing and Defending the World’s Most Celebrated Holiday (Giáng sinh trong tầm ngắm: Hai nghìn năm bài trừ và bảo vệ cho dịp lễ trọng thể nhất thế giới) nhắc lại “cuộc chiến” chống lễ Giáng sinh qua nhiều thế kỷ.
Nhìn lại thế kỷ trước, tác giả người Canada viết rằng các chế độ toàn trị đều ‘thi đua’ bài xích hoặc cố biến lễ Giáng Sinh thành một thứ lễ hội phục vụ chính trị.
Gerry Bowler cho hay khi những người Bolshevik lên nắm quyền tại Nga, Lenin đã ra lệnh cho công an mật bắn chết ai dám bỏ ngày đi làm để ở nhà mừng lễ Giáng sinh.
Tuy nhiên, nỗ lực cấm và bài trừ Giáng sinh không thành khiến Liên Xô cho sống lại “Ông già Tuyết”.
Sau đó, hình ảnh Stalin cũng được xây dựng tương tự ông già Giáng Sinh: Một cụ già đôn hậu, đem quà cho trẻ con, theo Gerry Bowler.
Chế độ phát-xít Đức không cấm hẳn Giáng sinh nhưng thay đổi lời bài hát về lễ này để ca ngợi Hitler.
Ngày nay hiếm có chuyện bài trừ Giáng sinh nhưng vẫn có hai xu hướng nhìn nhận lễ này: Giáng Sinh là dịp mừng Thiên Chúa trong không khí trang nghiêm, sùng kính, hay chỉ là dịp ăn chơi, tiêu dùng, và mua sắm?
Lễ Giáng sinh qua các thời kỳ
Lễ Giáng sinh có nguồn gốc tiền Ki Tô giáo, vốn là lễ hội vui chơi giữa mùa đông và lễ thờ thần Mặt trời ở các xứ sở Bắc Bán cầu.
Giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã đã chọn ngày đó làm lễ Thánh Nicolas, sau là Santa Claus, nhằm kết hợp hai truyền thống này vào làm một.
Nhưng các dịp vui chơi, có cả bia rượu, ăn uống quá nhiều, lại liên tục bị giới tăng lữ phê phán, thậm chí bài trừ.
Cuốn sách của Gerry Bowler kể lại cuộc chiến chống Giáng Sinh qua nhiều thế kỷ.
Scotland và New England, Mỹ đã từng cấm cả Giáng Sinh, và đến cuối thế kỷ 18, lễ này gần như đã bị khai tử ở nhiều nơi.
Ý tưởng của phái Thanh giáo là đề cao tính sùng đạo của lễ mà hạn chế càng nhiều càng tốt hội hè ăn uống, trong tiếng Anh gọi là “fasting, not feasting” (ăn kiêng chứ không ăn uống chè chén).
Trong sách có đoạn: “Giáo hội ở Glasgow vào năm 1583 ra lệnh rút phép thông công những ai vui Lễ Giáng Sinh, và năm 1593, các cha xứ ở Errol coi hát thánh ca xấu ngang tội tình dục… Ở một số thành phố của Scotland, các cha xứ đi gõ cửa từng nhà vào ngày Giáng Sinh để xem giáo dân có ăn uống gì không…”
Nhưng sang đầu thế kỷ 19, Giáng sinh đã được phục hồi tưng bừng tại Paris lại sau thời kỳ cấm cả đạo Công giáo và cả lễ Giáng sinh thời Cách mạng Pháp.
Theo BBC