Gần đây, những lãnh đạo của Khu phát triển Kinh tế và Công nghệ Bình Hương, tỉnh Giang Tây đã đến thăm các “hộ nghèo” ở địa phương, nhưng từ các tấm hình đăng trên các báo liên quan cho thấy, những “hộ nghèo” này trang trí nhà cửa rất sang trọng. Cộng đồng mạng nghi ngờ: “Nếu đây là gia đình nghèo khó, thì chúng ta đều là dân tị nạn mất”.
Theo bài báo với tựa đề “Lãnh đạo huyện giám sát công tác xóa đói giảm nghèo và đến thăm hộ nghèo” đăng trên tài khoản WeChat “Khu phát triển kinh tế Bình Hương”, vào sáng ngày 19/8, Bí thư Ban Công tác Đảng của Khu phát triển Kinh tế Bình hương là Lý Cẩm Lâm và đoàn của ông đã đến thăm một số gia đình nghèo khó trong danh sách hộ nghèo ở làng Điền Trung và làng Tam Điền.
Bài báo còn đính kèm vài bức ảnh chụp mọi người đang trò chuyện, cho thấy ngôi nhà của “hộ nghèo” họ Lý và họ Trần rất rộng rãi và sáng sủa, nền và tường được lát gạch, phòng khách còn có một chiếc ghế sofa và bàn uống trà kiểu cách.
Có cư dân mạng nói: “Đây là quê tôi, đây chắc chắn là nhà giàu nhất làng, còn lập sổ hộ nghèo sao?”; “Tôi là người Bình Hương đây, so với họ tôi như một hộ nghèo”; “Đừng nhìn căn nhà, hãy nhìn quần áo và da của họ, nói hơi khó nghe một chút, chính là vừa nhìn đã biết chưa từng phải chịu khổ, phải đổ mồ hôi”.
Bài báo này đã bị xóa, nhưng ảnh chụp màn hình vẫn còn lưu hành trên mạng.
Vào ngày 21/8, Thôi Truyền Bằng, phó thị trưởng thành phố Bình Hương, trả lời tờ “The Paper” về sự việc này cho biết: “Để đánh giá một gia đình có nghèo hay không, không thể chỉ nhìn vào bề ngoài của ngôi nhà”.
“Có một số gia đình vừa mới phá dỡ và chính phủ hỗ trợ đền bù thiệt hại cho việc phá dỡ, nhưng do ốm đau, tàn tật v.v.. các nguyên nhân khác nên họ vẫn còn khó khăn về tài chính. Các nhân viên công tác có liên quan của Ủy ban Quản lý Khu phát triển Kinh tế Bình Hương cũng cho biết, các hộ nghèo trong bài báo đã sửa sang lại ngôi nhà bằng tiền bồi thường phá dỡ”, ông Thôi nói.
Tuy nhiên, lời giải thích này bị không ít người cho là “miễn cưỡng phụ họa”. Có người nói: “Không nhìn bề ngoài ngôi nhà thì nhìn cái gì? Người bần cùng sống trong ngôi nhà sang trọng đó sao?”; “Cho tôi hỏi nếu nghèo như vậy, tại sao lại dùng tiền để sửa sang ngôi nhà mà không phải là để sống?”.
“Dùng tiền bồi thường mua loại sofa này mà xác định là hộ nghèo? So với cách giải quyết vấn đề cơm ăn áo mặc cho hộ nghèo mà tôi được biết dường như không quá giống nhau?”.
Cũng có người hỏi: “Thế có tiền rồi, còn tính là nghèo không? Còn cần giúp không?”.
Có người xúc động nói: “Có một loại ‘nghèo’, là lãnh đạo nói bạn nghèo thì bạn chính là nghèo, dù cho có cầm bao nhiêu tiền phá dỡ thì bạn vẫn là ‘nghèo’. Có một loại bần cùng, lãnh đạo nói bạn không đủ bần cùng, bạn ngay cả cơm cũng không có để ăn, bạn vẫn không thể là bần cùng”.
Một số cư dân mạng tiết lộ, cái gọi là chính sách xóa đói giảm nghèo là cực kỳ rắc rối, “hộ nghèo” không nhất định là những người thật sự cần giúp đỡ.
“Họ hàng của lãnh đạo nào vậy, ở chỗ chúng tôi cũng có, con cái của họ đều sống ở các thành phố lớn, mà vẫn tự đánh giá bản thân là hộ nghèo và nhận trợ cấp của nhà nước”.
“Thật là xấu hổ. Những người bình thường ở làng chúng tôi, họ nhàn rỗi cả ngày nhưng vẫn là đối tượng của xóa đói giảm nghèo, ngày nào họ cũng chơi bài”.
“Một người bạn học đại học của tôi có hai căn nhà trong thành phố, nhận được trợ cấp hộ nghèo đặc biệt, còn khoe cả với tôi, tôi lúc đó không nói nên lời”.
“Hộ nghèo” không thể hiểu theo nghĩa trên mặt chữ là gia đình bần cùng và khó khăn. “Hộ nghèo” là tấm biển, chính quyền quyết định cho ai thì cho người đó, tương tự như “công nhân kiểu mẫu”, “cá nhân tiên tiến” v.v. . Xét thấy có nhiều quyền lợi, nên đã hạ mình chọn một cái tên không dễ nghe mấy, gọi là “hộ nghèo”.
Có cư dân mạng nói: “Chính sách này thật sự càng nhìn càng khó hiểu”; “Các bạn vĩnh viễn sẽ không biết những đồng tiền thuế vất vả sẽ đi về đâu”; “Chính phủ đã làm quá nhiều việc dối trá, độ tin cậy đã là -100 rồi”.
Gia Hưng (Theo Epoch Times)