Trong cuộc họp báo ngày 20/8, Trưởng đặc khu Carrie Lam tuyên bố sẽ lắng nghe ý kiến người dân Hong Kong, nhưng từ chối yêu cầu rút hoàn toàn dự luật dẫn độ.
Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) khẳng định bà sẽ ngay lập tức thiết lập một nền tảng đối thoại với người dân ở mọi tầng lớp, đồng thời cam kết mở một cuộc điều tra về cáo buộc cảnh sát lạm quyền bắt bớ người dân và sử dụng bạo lực quá mức.
“Tôi thực sự hy vọng đây là sự khởi đầu cho việc thành phố sẽ trở lại với hòa bình, tránh xa bạo lực”, bà Lam nói trước báo giới vào sáng 20/8, 2 ngày sau khi 1,7 triệu người biểu tình xuống đường tuần hành ôn hòa cuối tuần trước.
Trong các đợt biểu tình trước đó, cảnh sát đã dùng lựu đạn hơi cay, đạn cao su để giải tán đám đông. Tuy nhiên đợt biểu tình hôm Chủ nhật gần như vắng bóng cảnh sát và không ai bị bắt.
Các nghị sĩ và người biểu tình kêu gọi bà Lam tận dụng khoảng thời gian này để xem xét đáp ứng 5 yêu cầu của họ, bao gồm:
- Hủy bỏ Điều lệ Dẫn độ đào phạm;
- Hủy bỏ Định nghĩa về bạo loạn hiện hành;
- Hủy bỏ các tội danh vu khống cho người biểu tình phản đối Dự luật Dẫn độ;
- Thành lập Uỷ ban độc lập, truy cứu kỹ lưỡng tình trạng Lam quyền của cảnh sát;
- Ngay lập tức thực hiện quyền bầu cử phổ thông kép (bầu cử trực tiếp Đặc khu Trưởng và Hội đồng Lập pháp).
Khi được hỏi có đáp ứng 5 yêu sách chính của người biểu tình hay không, trưởng đặc khu Hong Kong cho biết Hội đồng Xử lý Khiếu nại Cảnh sát Độc lập (ICPC), cơ quan giám sát lực lượng cảnh sát Hong Kong, sẽ tiến hành một cuộc điều tra về để tìm hiểu những gì thực sự đã xảy ra.
Trong đó bao gồm các vụ đụng độ bạo lực trong những tháng gần đây như vụ tấn công bằng hung khí của một nhóm côn đồ nhằm vào người dân ở nhà ga tàu điện ngầm Nguyên Lãng hồi tháng 7 khiến hàng chục người bị thương.
Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng, cam kết của bà Lam sẽ không khiến người biểu tình thỏa mãn vì phần lớn thành viên IPCC ủng hộ chính quyền, không dễ gì chỉ trích cảnh sát.
Ngoài ra, bà Lam một lần nữa từ chối việc rút hoàn toàn dự luật dẫn độ, dù khẳng định “không có kế hoạch khôi phục dự luật, đặc biệt là khi người dân đang rất quan ngại”. Hồi đầu tháng 7, bà Lam từng tuyên bố “dự luật đã chết” và không có kế hoạch tái khởi động tiến trình đưa dự luật ra trước hội đồng lập pháp Hong Kong.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng tuyên bố của bà Lam về “dự luật đã chết” không có trọng lượng về mặt pháp lý, vì vậy cam kết “không có kế hoạch khôi phục” của bà không thể xoa dịu được dư luận.
Cho đến nay, phong trào “Biểu tình phản đối dự luật dẫn độ” của người dân Hồng Kông đã kéo dài liên tiếp hơn 2 tháng. Song nhiều người Hong Kong khẳng định vẫn sẽ biểu tình cho đến khi dự luật dẫn độ gây tranh cãi bị hủy bỏ hoàn toàn và yêu cầu trưởng Đặc khu Hong Kong Carrie Lam từ chức.
Thùy Linh (t/h)