Bạn tôi ở xa đến Huế, chỉ có mỗi ao ước, về Phước Tích – ngôi làng cổ thứ hai hơn 500 năm tuổi của Việt Nam, đã được xếp hạng di tích quốc gia, để chụp bức ảnh đẹp giữa những ngày hè. Và rồi, chúng tôi trở lại ngôi làng ấy, ngồi dưới gốc cây thị hàng trăm năm tuổi, đi dưới hàng chè tàu xanh mướt của miền quê, dừng chân trong ngôi nhà cổ nghe những người “thất thập cổ lai hy” của làng kể chuyện…
Nghề gốm cổ truyền ở làng Phước Tích được khôi phục và phát triển.
Làng Phước Tích thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền (Thừa Thiên – Huế) hình thành vào năm 1460, dưới triều vua Lê Thánh Tông. Người khai canh làng Phước Tích là hầu tước Hầu Minh Hùng, quê ở Cẩm Quyết, Quỳnh Lưu (Nghệ An). Ông theo chiếu vua Lê vào nam đánh giặc, dẹp loạn, khi thắng lợi trở về, ủng hộ chủ trương của triều đình, ông lại chiêu mộ dân binh vào nam khai khẩn. Sau khi thăm dò địa hình, thấy khúc quanh tuyệt đẹp của dòng sông Ô Lâu nên vào đất Cồn Dương khai khẩn lập làng, chọn nghề gốm để an dân thịnh vượng. Những người già ở làng Phước Tích kể lại, ngày trước từ những nhà khá giả hay nghèo đều làm nhà rường, hoặc ba gian hai chái, hoặc nhà vuông. Làng Phước Tích vẫn còn thấm đẫm phong cách của ngôi làng cổ Việt Nam với cây thị cổ, bến nước, sân đình, mái chùa, nhà rường mái ngói rêu phong, cổ kính. Con đường dẫn vào làng bằng gạch, hai bên là những hàng cây chè tàu xanh mướt; nền sân gạch, bình phong cổ kính phía trước ngôi nhà rường với những bờ mái và bờ quyết được đắp nổi các kiểu trang trí, hệ thống vì kèo có các kiểu thức chạm trổ hoa văn tinh xảo. Theo khảo sát của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, làng hiện có 27 ngôi nhà rường còn khá nguyên vẹn, trong đó có 12 nhà có giá trị đặc biệt. Nhà rường “trẻ” nhất của làng cũng đã ngót nghét 100 năm tuổi, còn nhà “cổ” nhất hơn 180 năm. Dân làng Phước Tích còn tự hào về cây thị 500 năm tuổi, có chu vi đến bốn, năm sải tay người lớn. Trong những ngôi nhà rường ấy vẫn còn lưu giữ những vật dụng gia đình như bình vôi, hũ đựng muối, mâm gỗ… mà tuổi đời của chúng cũng lên đến cả trăm năm. Làng Phước Tích đã được Nhà nước công nhận và trao bằng xếp hạng “Di tích quốc gia” làng cổ. Người Phước Tích còn nổi danh hiếu học. Trước đây, nhiều nhà thuê thầy đồ về dạy và con cái họ đỗ các trường danh tiếng ở Huế như Quốc Học, Đồng Khánh (sau này đổi thành Hai Bà Trưng). Thú vị hơn là cả làng chẳng ai mù chữ cả, kể cả mệ già 70 tuổi vẫn có thói quen đọc sách báo mỗi khi con cháu đem về. Ở Phước Tích cũng không có nhiều ruộng, chỉ có nghề gốm nhưng lớp thanh niên lớn lên không sống được với nghề, lần lượt vào nam ra bắc làm ăn. Nhiều người cao tuổi có con cháu thành đạt định về đón lên thành phố, nhưng họ nhất quyết không đi vì phải bám trụ ở làng để trông coi nhà cửa. Hễ trong làng có một người ngã bệnh, cả làng đều đến, mỗi người một tay chăm sóc, giúp đỡ. Thế nên, bia đá ở đình làng được tạc vào năm 1897 dưới thời vua Thành Thái cũng ghi rõ: “Người Phước Tích giàu tinh thần tôn sư trọng đạo, đặc biệt có truyền thống tương thân tương ái, sẵn lòng giúp đỡ nhau lúc khốn cùng”. Người làng Phước Tích bây giờ vẫn thuộc lòng câu “Om Phước Tích ngon cơm hoàng đế/ Sen Hà Trì quý thế Phú Xuân”. Sử sách triều Nguyễn kể rằng, các vị vua từ Gia Long, Minh Mạng đến Đồng Khánh ăn uống rất cầu kỳ. Cơm vua ăn được nấu bằng gạo De (thứ gạo ngon nổi tiếng ở làng An Cựu – Huế) được lựa từng hạt. Nồi nấu cơm là một cái niêu đất nhỏ do làng gốm Phước Tích sản xuất, còn gọi là om. Mỗi năm hai lần người trong làng dùng thuyền đưa các om ngự lên kinh thành Huế “tiến vua”. Những nghệ nhân lão làng của làng cổ Phước Tích không thể nào quên thời hoàng kim của nghề gốm. Xưa cả làng có hơn 10 lò quanh năm đỏ lửa nung gốm. Khi đó, lò gốm được làm một cách thô sơ, mỗi lò chỉ chứa được 20 đến 30 sản phẩm. Chiều chiều, trên bến sông Ô Lâu tấp nập những con đò chở đầy lu, vại, ấm, chén. Gốm Phước Tích chủ yếu là đồ gia dụng, hoa văn đơn giản, bình dị có mặt trong mọi gia đình như lu, om, siêu, nồi, ấm…; được đưa đi bán tận Phú Yên, Bình Định. Chất liệu chính của sản phẩm gốm Phước Tích khai thác ở vùng Diên Khánh (Quảng Trị). Nghệ nhân Lê Văn Hanh cho biết, làm gốm quan trọng nhất là đôi bàn tay. Đôi tay phải linh hoạt từ khâu đập đất, chuốc xuống cho đến làm lò. Ngày xưa làm thủ công theo hướng tự phát, nhưng mỗi lò gốm cho ra sản phẩm đẹp mê hồn bởi mầu sắc và tiếng gõ kêu từ đất. Cho đến nay, việc khôi phục nghề gốm, giữ gìn nghề truyền thống hơn 500 năm của ông cha để lại là mong ước của người dân làng cổ Phước Tích. Những năm gần đây, nhất là tại các kỳ Festival Huế, nghề gốm đang hồi sinh khi được đưa vào tua du lịch khám phá văn hóa sinh thái của lễ hội. Nhiều nghệ nhân nổi tiếng của làng gốm, nay đã tuổi cao sức yếu nhưng ngày ngày vẫn chống gậy ra tận lò, hướng dẫn, chỉ vẽ cho con cháu từng chi tiết nhỏ, những tinh xảo của nghề gốm. Ngay trong dịp Festival Huế 2010, lò gốm đầu tiên đã cho ra đời 600 sản phẩm gồm: lu, đột, trình, trắc ngang, âu tai, am, âu trứng… được làm thủ công từ các nghệ nhân. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Văn Công Bình, để phát triển nghề gốm gắn liền với phát triển du lịch ở làng cổ Phước Tích, huyện đang từng bước phục hồi và phát triển nghề gốm truyền thống này. Tuy nhiên, để chính những người thợ gốm sống được bằng nghề, việc phục hồi sẽ không theo hướng nguyên trạng mà phục hồi gốm cổ kết hợp những sản phẩm hiện đại phù hợp thị trường, thị hiếu người tiêu dùng. Cái khó nhất hiện nay là cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra được đầu ra cho sản phẩm và người đứng ra để tổ chức sản xuất. Cho nên, việc sản xuất gốm cổ chỉ dừng lại là phục vụ lễ hội là chính. Phước Tích còn hệ thống các di sản quý là những ngôi nhà cổ đã định hình hàng trăm năm trong không gian của đường làng, ngõ xóm, rồi những hàng rào được tạo ra bằng cây chè tàu… Tất cả tạo nên cảnh một làng Việt đặc trưng, nhưng rất khác với làng Việt ở các nơi khác. Song, điều đáng lo ngại cho Phước Tích bây giờ là những ngôi nhà rường đang trên đà xuống cấp, trong khi những chủ nhân chẳng biết xoay xở thế nào để cứu vãn. Giám đốc Ban quản lý Di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích Nguyễn Hồng Thắng cho biết: Hiện làng cổ Phước Tích có sáu nhà rường cổ đang xuống cấp nghiêm trọng. Người dân không có khả năng tự tôn tạo, nên rất cần các nguồn kinh phí của tỉnh, trung ương và các tổ chức, đơn vị để nhanh chóng tu sửa. Để phát huy giá trị của những ngôi nhà rường, trước hết cần quy hoạch lại vườn tược, cảnh quan tạo không gian xanh mát và đẹp, phục vụ du lịch; vận động người dân tham gia các dịch vụ du lịch, vừa tạo nguồn thu đầu tư trở lại, vừa thể hiện sự trân trọng các giá trị kiến trúc cổ. Đây là một hướng bảo tồn và khai thác các giá trị của làng cổ Phước Tích một cách thiết thực và hiệu quả. Bài và ảnh: Nguyễn Công Hậu
|
Theo Nhân Dân