Tinh Hoa

Lạ kỳ ngôi miếu dân lập thờ ‘bà bóng’ cô Hiên

(PLO) -Trên tỉnh lộ 768, đoạn đi qua ấp 6-7, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) có một ngôi miếu cổ tên “miếu bà Cô” nằm hướng mặt ra bờ sông Đồng Nai. Theo lệ hàng năm vào ngày 10, 11, 12 tháng 2 (âm lịch) có tổ chức cúng giỗ “bà” thật linh đình với các nghi thức cúng tế đậm chất Nam bộ xưa.

Miếu bà Cô (tỉnh lộ 768, thuộc ấp 6-7, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai), nằm lẻ loi, hiu quạnh suốt hàng trăm năm ven sông Đồng Nai.

Thật kỳ lạ, nhân vật được nhân dân suy tôn “nữ thần” rồi xây mộ, lập miếu thờ trang trọng suốt hàng trăm năm chỉ là một người phụ nữ làm nghề lên đồng, coi bói.

Cái chết bi thảm và của “bà bóng”

Ông Hồ Văn Thanh (60 tuổi), hiện đang làm trưởng ban quý tế miếu bà Cô chia sẻ, thực tế chưa ai xác nhận miếu được xây dựng từ bao giờ. Ông Thanh cho biết ngay từ thời bà ngoại của ông còn sống cũng chưa biết chắc “tuổi thọ” và nguồn gốc của ngôi miếu. Sự tồn tại và linh ứng của ngôi miếu chỉ qua lời kể lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hiện tại, trong khuôn viên của miếu bà Cô có một ngôi mộ tương truyền là mộ của bà. Ban đầu, ngôi mộ nằm ven đường tỉnh lộ 768, cách ngôi miếu khoảng 200m. Khi cải tạo và nâng cấp đường 768, chính quyền địa phương phối hợp với Ban quý tế miếu di dời về an táng trong khuôn viên miếu. Trên tấm bia mộ còn lưu giữ hàng chữ Hán: “Bản xứ thánh nương tính Phạm chi mộ” (Mộ của bà họ Phạm là người sống ở địa phương).

Ngôi mộ của “Thánh nữ họ Phạm” ngoài khuôn viên ngôi miếu, do nhân dân góp tiền xây dựng và tu bổ mới vào năm 2015

Từ lâu, dân gian Vĩnh Cửu truyền tụng truyền thuyết về một người phụ nữ tên Phạm Thị Hiên hành nghề đồng cốt tiếp xúc với hồn người mất hoặc với thần linh để thực hiện những nghi thức cúng tế cho làng xã. Dân làng kính nể bùa phép của bà nên gọi là “cô bóng Hiên”.

Nhân một ngày nọ có một vị tướng tên Lê Văn Lễ kéo quân đi đánh giặc Man. Ông tướng Lễ cưỡi ngựa đi đầu vừa đến làng Thiện Tân thì cô bóng Hiên chạy ra trước đầu ngựa của ông, cản đường nói: “Ngài hãy dừng quân lại. Trời nay chưa giúp ngài đâu. Ngày này không tốt, giờ này không lành, xuất quân đi không có lợi. Ngài mang quân về đợi thuận trời mới thắng được, chứ cứ tiến quân đi tôi e đi thì đại lộ mà về tiểu lộ…”. Ông tướng Lễ thắc mắc: “Vậy bà căn cứ vào đâu mà tiên đoán như vậy?”. Bà liền trả lời: “Theo điềm báo thì việc xuất quân lần này nhiều hao tổn. Nếu nơi đâu mà ngựa dừng chân thì họa nhiều lành ít”.

Vị tướng Lễ tức giận nghĩ mình bị người đàn bà coi thường, liền sai quân chém đầu nhằm thị uy để không làm giảm nhuệ khí quân binh trước khi đánh trận. Sau đó, ông tướng Lễ vẫn thản nhiên đốc quân tiến tới. Lần ấy quân đi không về, tướng Lễ bị giặc phục kích giết chết, nghĩa quân cũng tan rã. Cũng sau trận ấy, dân làng mới thương cảm cho cái chết oan khiêng của cô bóng Hiên nên mang xác về làng chôn cất và lập miếu tranh tre vách lá thờ, mong bà phù hộ độ trì cho dân làng tai qua nạn khỏi. Cứ thế, suốt hàng trăm năm nay, ngôi miếu nhỏ lúc nào cũng được người dân hương khói và những câu chuyện linh ứng của bà hiển linh giúp người có lòng thành cứ lưu truyền từ đời này sang đời khác không nguôi.

Bên trong chính điện có bức tượng thờ trang trọng bà cô bống Hiên được dân làng Thiện Xưa đẽo bằng gỗ mít rất đẹp, lúc nào cũng nghi ngút hương khói.

Nơi lưu dấu sự kiện lịch sử

Cụ Tăng Nhất Mẫn (thường gọi Hai Bảnh), năm nay 91 tuổi, trí nhớ thông suốt kể cho chúng tôi biết thêm câu chuyện ngôi miếu từng một thời in đậm bước chân của Khu bộ trưởng Khu 7, Huỳnh Văn Nghệ về đây hoạt động cách mạng. Cụ Hai Bảnh cho biết, giặc Pháp từng đốt phá miếu vì tình nghi là nơi ẩn nấp của Việt Minh, biến nơi linh thiêng của dân thành cái đồn bót tàn ác để kiểm soát dân làng. Bọn Pháp và tay sai còn lấy đi bức tượng bà đẽo bằng gỗ mít cổ thụ, rất lớn trong chánh điện, đặt trên mũi chiếc tàu chiến, chạy lòng vòng sông Đồng Nai như muốn trêu tức dân làng. Xong chán, chúng vứt tượng gỗ xuống đáy sông. Cụ Hai Bảnh cứ nuối tiếc pho tượng bà đã bị thất lạc hơn mấy chục năm qua mà không tìm thấy được. Hiện giờ, trong miếu bà Cô cũng có thờ một bức tượng bà cũng được đẽo lại bằng gỗ mít theo nguyên mẫu tượng xưa, nhưng nhỏ hơn và không quý bằng bức tượng gỗ nguyên thủy của dân làng Thiện Tân tạc hồi xưa.

Du khách thập phương đi ngang qua miếu thường dừng lại thắp lên mộ bà cô bống Hiên 1 nén nhang để cầu xin sự bình an.

Tại miếu bà Cô từng ghi dấu một sự kiện lịch sử quan trọng. Đó là vào ngày 10-4-1946, phái đoàn quân sự Pháp do đại tá quan năm Fehler (Tư lệnh khu miền Đông) dẫn đầu để dự hội nghị “bàn tròn” với lực lực Việt Minh ở miền Đông Nam Bộ bàn về việc thực thi hiệp ước đình chiến sơ bộ 6-3 (do Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ký với Chính Phủ Pháp vào ngày ngày 6-03-1946). Phái đoàn Khu 7 có các ông: Phạm Thiều, Huỳnh Văn Nghệ, Võ Bá Nhạc, Lê Đình Chi làm đại diện và thay mặt Tư lệnh khu 7 Nguyễn Bình để đàm phán. Do hai bên bất đồng quan điểm (phía Pháp trịch thượng và đưa ra những yêu cầu vô lý ngang ngược như: đòi giải giáp vũ khí của lực lượng Vệ quốc đoàn Nam Bộ) nên đến ngày 16-4-1946, cuộc đàm phán chấm dứt trong tình trạng bế tắc, dẫn đến cuộc xung đột vũ trang tiếp diễn. Từ đó, miếu bà Cô bị quân Pháp đốt phá và chiếm đóng nhiều lần.

Du khách phương xa thường hay ghé miếu thắp 1 nén nhang lên mộ bà bóng cô Hiên bớt hiu quanh.

Mãi đến năm 1954, hòa bình lập lại, quân Pháp rút đi thì miếu bà Cô chính thức mới được trả lại cho dân làng thờ cúng. Cuộc trùng tu xây dựng miếu lớn nhất là vào năm 1970, do dân làng góp công góp sức. Năm 2006, miếu bà Cô tiếp tục được tu bổ, tôn tạo, xây lại cổng chính và có xây thêm hàng rào bảo vệ xung quanh.

Hiện nay, miếu bà Cô đang được UBND tỉnh Đồng Nai công nhận và xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Nếu các cơ quan chức năng quan tâm đúng mức và kịp thời và bổ sung thêm nhiều tư liệu hình ảnh lịch sử liên quan đến sự kiện này 10-4-1946 thì có như thế ngôi miếu cổ nằm lẻ loi, hiu quạnh hàng trăm năm ven sông Đồng Nai sẽ thành địa điểm tham quan về nguồn, tìm hiểu văn hóa lịch sử hết sức có ý nghĩa.

BÙI TRƯỜNG TRÍ

Theo Pháp Luật TP.HCM