Trong thế giới của đồng hồ xa xỉ, mặt đồng hồ qua chế tác Enamel được đánh giá là độc đáo và tuyệt mĩ nhất bởi kĩ nghệ này đòi hỏi chuyên môn ở đẳng cấp Haute Horlogerie. Enamel bao gồm nhiều trường phái khác nhau, thể hiện rõ ở mỗi chế tác của mỗi thương hiệu.
Patek Phillippe nổi tiếng với kĩ nghệ Cloissone, Vacheron Constantin được ca ngợi với kĩ nghệ Champleve và thương hiệu vàng son 275 năm tuổi Jaquet Droz được đóng đinh với kĩ nghệ Grand Feu và Pailonnee huyền thoại. Enamel là một kĩ nghệ lâu đời, có thể hiểu cơ bản là “tráng men lên kim loại”. Lớp Enamel cổ nhất được tìm thấy tại Cộng hòa Síp trong kho báu của vua chúa Đế Quốc Byzantine niên đại từ thế kỉ thứ 13 tới thế kỉ 11 trước Công Nguyên, Trong suốt thời kì Trung Cổ, thung lũng Meuse và vùng Limoges của Pháp và Đức là những làng nghề Enamel nổi tiếng nhất Châu Âu.
Từ thế kỉ thứ 9 đến thế kỉ thứ 11, các tác phẩm Enamel nổi tiếng nhất là kiệt tác Pala d' Oro trong thánh đường San Marco ở Venice và Hungary Crown tại Bảo tàng Quốc gia Hungary. Đến thế kỉ 17 và 18, giai đoạn sơ khai của ngành đồng hồ cơ học cũng là lúc nghệ thuật tráng men đạt đỉnh hưng thịnh tại Anh Quốc, Pháp và Thụy Sĩ. Đây cũng chính là cột mốc quan trọng khi những nhà làm đồng hồ tiên phong như Jaquet Droz hay Vacheron Constantin đưa nghệ thuật tráng men vào trang trí vỏ và mặt đồng hồ xa xỉ. Grand Feu Enamel và thử thách “Lửa Lớn” Enamel là một quá trình nung chảy thủy tinh cùng với bộ màu gốc ôxít kim loại ở nhiệt độ lớn rồi lại làm nguội để lớp màu cố định trên mặt kim loại. Nghệ nhân phải lặp lại quá trình này từ 4 đến 10 lần để có được kết quả cuối cùng. Sở dĩ Enamel là kĩ nghệ của các bậc thầy bởi tỉ lệ loại bỏ rất lớn, trong mười mặt đồng hồ thành phẩm trung bình chỉ có thể chọn được một. Enamel còn phức tạp ngay từ công đoạn pha màu bởi mỗi màu sắc mới đều đòi hỏi quá trình nghiên cứu và xây dựng công thức pha chế riêng biệt. Ở bất kì bước nào, mặt đồng hồ đều có thể bị vỡ, nứt, bị chấm lỗ chỗ, phồng rộp hoặc màu sắc không như mong đợi. Gặp phải bất kì sự cố nào nghệ nhân đều phải bắt đầu lại từ con số không.
Grand Feu có nghĩa là “Lửa lớn”, dùng để chỉ thuật enamel của những nghệ nhân bậc thầy về khả năng dùng lửa, thường nung các mặt đồng hồ ở ngưỡng 800 đến 1000 độ C. Mặt đồng hồ tráng men Lửa Lớn – Grand Feu có sắc mượt, độ sâu và bền màu thử thách thời gian. Những mặt đồng hồ enamel được lưu giữ trong bảo tàng ngày nay đều có tuổi đời hàng thế kỉ đều mà vẫn giữ được các bức tranh tiểu họa Enamel tuyệt vời. Cloisonne, Champleve hay Pailonnee Con số các nghệ nhân Enamel gạo cội ngày nay chỉ còn khoảng 5 tên tuổi lớn tại Thụy Sĩ, thường xuyên hợp tác với các thương hiệu hàng đầu. Với kĩ thuật tráng men Cloisonne, nghệ nhân sẽ thêm vào dung dịch tạo màu những sợi vàng không lớn hơn sợi tóc của con người, hòa tất cả bằng tay và quét bằng kìm siêu nhỏ. Qua tác động nhiệt, những sợi này nằm lại trên mặt đồng hồ làm sắc nét các chi tiết và tạo độ sâu ấn tượng. Tác phẩm Cloisonne được giới mộ điệu yêu thích hiện nay là tấm bản đồ thế giới của Patek Phillippe 5131, dưới bàn tay chế tác của nghệ nhân Susan Rohl.
Champleve có phần ngược lại so với Cloissone về mặt trình tự. Nghệ nhân cạo các lớp kim loại bằng công cụ chạm khắc để tạo các khoang rỗng. Màu men sau đó sẽ được lấp đầy các khoang này và nung cho đến khi đạt diện mạo hoàn hảo.
Trong số 5 nhà làm đồng hồ tiên phong đầu thế kỉ 18, Vacheron Constantin và Jaquet Droz là hai tên tuổi thường sử dụng kĩ nghệ này. Từng rất hưng thịnh trong thế kỉ 18, Pailonnee là kĩ nghệ gắn liền với tên tuổi Jaquet Droz, gần như bị thất truyền và mới được khôi phục trong dự án của thương hiệu này với nữ nghệ nhân gạo cội Anita Porchet. Trong tiếng Pháp,“Paillon”có nghĩa “lá vàng mỏng”. Có đến hơn 200 họa tiết từ ngôi sao, thánh giá cho đến các họa tiết hoa lá. Vì không còn nghệ nhân nào có thể chế tác các lá Paillon nữa nên những mặt đồng hồ Pailonnee ngày nay của Jaquet Droz đều dùng lá vàng cổ sưu tập được từ thế ki 18. Về cơ bản, các chi tiết Paillon vàng được sắp đặt chính xác trên mặt đồng hồ đã tráng một lớp men nền. Lớp men thứ hai có độ trong cao được nung phủ bên trên, cố định các lá Paillon, đem lại bề mặt hút sáng và chiều sâu ấn tượng cho các họa tiết.
Đại diện truyền thông của Frost of London Vietnam – nhà bán lẻ trang sức và đồng hồ xa xỉ từ Vương quốc Anh cho biết: “Ngày nay nghệ thuật Enamel được bảo tồn bởi những tên tuổi giàu di sản trong làng đồng hồ thế giới. Jaquet Droz là một trong những thương hiệu quyết liệt trong việc khôi phục các kĩ nghệ bí truyền như Pailonnee hay nghệ thuật vẽ tranh tiểu họa tráng men Lửa Lớn. Đặc biệt, Jaquet Droz sở hữu xưởng chế tác khép kín có thể hoàn thành những bức vẽ đặt thửa riêng. Với tuổi thọ hàng trăm năm, những tác phẩm đặt thửa này là món quà tuyệt vời mà các nhà sưu tầm có thể truyền lại cho hậu duệ, tương tự như những kiệt tác vẫn được lưu giữ trong các bảo tàng nghệ thuật ngày nay.”
Theo Frost of London
|
Theo Một Thế Giới