Bộ Y tế tối ngày 3/9 cho biết, Việt Nam vừa ghi nhận thêm 14.922 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó có tới 9.275 ca ngoài cộng đồng, đang được điều tra dịch tễ. Đây là ngày ghi nhận số ca mắc cũng như số ca trong cộng đồng cao nhất kể từ trước đến nay.
Theo thông tin trên báo Tiền Phong, từ đầu dịch đến nay, nước ta có 501.649 ca nhiễm, đứng thứ 53/222 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Riêng đợt dịch thứ 4 này (từ ngày 27/4 đến nay), số ca nhiễm trong nước được ghi nhận là 497.391 ca, trong đó có 267.894 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Số ca tử vong trong ngày hôm qua (3/9) là 308 ca, ghi nhận tại 10 tỉnh, thành phố. Tổng số ca tử vong do Covid-19 trên cả nước đến nay là 12.476 ca, chiếm 2,5% tổng số ca mắc và cao hơn tỷ lệ tử vong trên thế giới 0,4%.
Cụ thể, số ca tử vong mới tại TP.HCM (250), Bình Dương (44), Đồng Tháp (5), Đắk Lắk (2), Hà Nội (2), Tiền Giang (2), Bình Thuận (1), Bến Tre (1), Khánh Hòa (1).
Số bệnh nhân nặng đang điều trị máy thở máy xâm lấn là 867 ca và số bệnh nhân nguy kịch phải can thiệp ECMO là 28 ca.
Cùng ngày (3/9), 54.000 lọ thuốc Remdesivir điều trị Covid-19 đã được Bộ Y tế triển khai phân bổ cho các cơ sở điều trị. Tính đến nay tổng số thuốc đã phân bổ là 227.680 lọ.
Hiện TP.HCM đang xây dựng kế hoạch tuyển dụng có trả lương cho những trường hợp F0 đã khỏi bệnh tham gia chăm sóc người mắc Covid-19 đang điều trị.
Theo nghiên cứu, sau khi khỏi Covid-19 thì cơ thể con người sẽ có nồng độ kháng thể cao, có thể miễn nhiễm tạm thời với virus SARS-CoV-2.
Do đó, lực lượng F0 khỏi bệnh có thể tham gia cùng TP trong công cuộc phòng, chống dịch, thực hiện công tác hướng dẫn, hỗ trợ điều dưỡng, vệ sinh khử khuẩn… để nhân viên y tế có thời gian thực hiện công tác chuyên môn.
Hiện TP cũng đề xuất xem xét bổ sung 2 thuốc là Cytoflavin và Reamberin vào phác đồ điều trị cho F0. Đây là 2 loại thuốc dự kiến được viện trợ của Công ty Polysan (Nga).
Thuốc Cytoflavin có chỉ định phòng chống đột quỵ thiếu máu cục giai đoạn cấp và thuốc Reamberin có chỉ định giảm oxy huyết, giải độc trong các trường hợp ngộ độc cấp do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Yên Yên (t/h)