Chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ nàng công chúa Hàm Hương sở hữu mùi cơ thể thơm ngát có thể thu hút bươm bướm, và trong giới tự nhiên cũng có một loài vật như vậy – cầy mực.
Cầy mực còn có tên gọi chồn mực hay binturong là một sinh vật lông lá xù sống chủ yếu ở khu vực Đông Nam Á. Trông có vẻ xấu xí, dữ dằn nhưng cầy mực lại rất nhút nhát.
Thông thường các loài cầy đều rất nặng mùi nhưng riêng cầy mực lại rất thơm. Sở dĩ chúng sở hữu mùi hương đặc biệt như vậy là vì nước tiểu của chúng có chứa hợp chất 2-AP có mùi hương tựa như bắp rang bơ.
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Duke cho biết, họ đã thu thập 33 mẫu nước tiểu của loài cầy mực ở khu bảo tồn Bắc Carolina, và xác định rằng, mỗi mẫu nước tiểu của chúng chứa 29 hợp chất hóa học, trong số đó, một hợp chất có tên là 2-acetyl-1-pyrroline hay 2-AP.
2-AP là một hợp chất tự nhiên có trong một số loại thức ăn như bắp rang bơ, cơm hay bánh mì khi tiếp xúc ở nhiệt độ cao. Phản ứng hóa học giữa đường và các axit amin được gọi là phản ứng Maillard (phản ứng tạo mùi vị).
Giáo sư nhân chủng học Christine Drea cho biết: “Nhiệt độ để hợp chất này có thể hình thành trong cơ thể động vật khi nhiệt độ cơ thể trên mức thông thường. Vậy làm cách nào cầy mực có thể tạo ra mùi thơm này mà không cần “nấu nướng”?. Chính nhờ các vi khuẩn và vi sinh vật khác cư trú trên lông và da loài vật này”.
Giống nhiều loài động vật khác, cầy mực sử dụng nước tiểu để đánh dấu lãnh thổ và hấp dẫn bạn tình.
Nhà nghiên cứu Lydia Greene cho biết, với nghiên cứu này, họ sẽ dễ dàng phát hiện vị trí con vật và xác định giới tính của chúng. Trong nước tiểu của con đực chứa nhiều 2-AP hơn con cái.
Như vậy, mỗi khi “giải quyết nỗi buồn”, cầy mực sẽ để lại mùi hương đặc trưng trên mỗi cành cây, tán lá mà chúng đi qua.
Theo Kênh 14, VTC