Đạo sư Mahavatar Babaji được biết đến là thầy của một đạo sư nổi tiếng nhất Ấn Độ thế kỷ 19. Đặc biệt ông còn được sùng kính vì có khả năng giữ thân xác trẻ mãi không già.
Babaji (tên đầy đủ là Mahavatar Babaji) là một đạo sư Ấn Độ và được nhiều người tôn sùng như một thánh nhân. Tên thật và năm sinh của ông không ai biết. Cái tên Mahavatar Babaji thực chất là một cặp từ ghép biểu thị sự sùng kính. Maha là to lớn, Avatar là vĩ đại còn Babaji thì nghĩa là “cha đáng kính”.
Người ngày nay biết đến tên Babaji và khả năng của ông là do lời kể của các đạo sư Lahiri Mahasaya, Sri Yukteswar Giri và Paramahansa Yogananda. Cần phải nói thêm rằng Lahiri là vị đạo sư sống trong thời kỳ 1861 đến 1935 và là một trong những đạo sư nổi tiếng nhất Ấn Độ thời kỳ đó. Yukteswar là đệ tự của Lahiri và Yogananda là đệ tử của Yukteswar.
Trong sách Xứ Phật huyền bí (một tác phẩm tự truyện của Yogananda được Nguyễn Hữu Kiệt dịch), Yogananda đã chép lại việc đạo sư Lahiri gặp ngài Babaji cùng với khả năng trường sinh bất lão của ngài.
Theo đó, mùa thu năm 1861, đức Lahiri 33 tuổi và đang làm nhân viên kế toán phục vụ trong quân đội Anh thì được lệnh điều động lên Ranikhet, nơi có một tiền đồn quân sự vừa thành lập. Do công việc nhàn tản nên phần lớn thời gian trong ngày Lahiri dạo chơi, thăm thú các vùng phụ cận. Người ta cho ngài biết là vùng này thường xuất hiện các vị đạo sĩ, tu sĩ ẩn tu đã chứng ngộ.
Một buổi chiều, khi đang dạo chơi ven một khu rừng thì Lahiri bỗng nghe có tiếng gọi tên mình. Theo hướng gọi, ngài leo lên một vách núi cheo leo của ngọn núi Drongiri để tìm nhưng trong lòng vẫn lo ngại sẽ không kịp quay về nhà trước khi trời tối. Tuy vậy tiếng gọi có sức hấp dẫn lạ kỳ khiến Lahiri không cưỡng lại được.
Vượt qua khỏi vách núi, Lahiri thấy một khoảng trống nhỏ và sau nó là một hang động. Trong ánh nắng chiều đã tắt, ngài thấy một thanh niên lực lưỡng khoảng chừng hơn 20 tuổi đang ngồi trong tư thế thiền định. Kỳ lạ hơn, thanh niên này có hình dáng giống hệt Lahiri, chỉ khác là mái tóc màu đỏ.
Người thanh niên mở mắt nhìn rồi đưa tay làm một cử chỉ đón tiếp và cất giọng nói trìu mến: “Con đã đến rồi, Lahiri”. Ngạc nhiên về cách xưng hô nên Lahiri tiến lại gần hơn để nhìn. Bất ngờ ngài thấy có những nét quen thuộc mơ hồ nào đó trong hình dáng của người thanh niên và khung cảnh nơi đây mà không sao nhớ ra được.
Người thanh niên đứng dậy, đưa tay nắm lấy tay Lahiri. Dường như có một sức mạnh nào đó thôi thúc khiến Lahiri không ngần ngại đưa tay ra cho người lạ đó nắm và kéo ngài vào động.
Bước qua cửa động, một con đường hẹp quanh co đưa đến một khoảng sân rộng có những tảng đá rải rác có vẻ được bố trí để làm ghế ngồi. Cuối sân có một gò đá cao hơn, bên trên là một tảng đá lớn bằng phẳng. Người thanh niên đưa Lahiri lên tảng đá ấy. Từ đây có thể nhìn bao quát hết cả khoảng sân rộng như một khán đài. Lahiri phát hiện các ghế đá được sắp xếp theo hàng lối nghiêm chỉnh như một nơi được dùng để thuyết giảng.
Khi cả hai đã leo lên tảng đá bằng phẳng, người thanh niên đưa tay chỉ vào một tảng đá nhỏ hơn bên cạnh ra hiệu cho Lahiri ngồi. Sau đó người này bắt đầu nói: “Lahiri Mahasaya! Ngay tại đây, trên bục giảng này, con đã từng trợ lực với ta rất nhiều năm trong việc thuyết pháp. Ngày hôm nay nhiệm vụ của con đã đổi khác, nhưng ta muốn con hãy nhớ lại quá khứ của mình để có thể thuận tiện hơn cho việc tu tập”.
Vừa nói người thanh niên vừa đưa tay đặt lên đỉnh đầu Lahiri và ấn nhẹ xuống. Một sức mạnh lạ lùng khiến ngài ngay lập tức phải ngồi xuống tảng đá. Một luồng hơi nóng dễ chịu bắt đầu tỏa ra từ người thanh niên, và khung cảnh xung quanh bất chợt sáng lên trong một thứ ánh sáng huyền ảo mặc dù lúc ấy mặt trời đã tắt hẳn.
Chỉ một lát Lahiri nhớ lại quá khứ của mình. Chính tại đây, ngài đã từng là môn đệ thân cận nhất của đức Babaji trong rất nhiều tiền kiếp. Và đức Babaji chính là người thanh niên đã đưa ngài vào đây.
Mặc dù là một vị tu sĩ ẩn cư đã vào Hy Mã Lạp Sơn này không biết tự bao giờ, nhưng đức Babaji không hề chịu sự chi phối của tuổi già. Ngài luôn luôn giữ vóc dáng của một thanh niên 25 tuổi, bất chấp ngày tháng trôi qua và nhiều thế hệ đệ tử đã qua bàn tay dìu dắt, đào tạo của người.
Sau khi nhớ ra được quá khứ, Lahiri liền quỳ xuống lễ bái đức Babaji với tấm lòng thành kính và một sự xúc động vô hạn. Và cùng lúc đó, những kinh nghiệm tâm linh trong việc tu tập thiền định lập tức trở lại cùng với người.
Sau cuộc gặp đó, Babaji đã cho phép Lahiri truyền thụ pháp môn thiền định rộng rãi ra cho quần chúng. Ngài nói: “Từ trước đến nay, pháp môn thiền định của ta không truyền dạy cho những đệ tử căn cơ thấp. Tuy nhiên, những năm sắp tới đây sẽ có rất nhiều biến động trong thế cuộc, đòi hỏi con người cũng phải có những chỗ dựa tinh thần chắc chắn để giữ vững được thiện căn. Vì vậy, ta cho phép con truyền rộng pháp môn này cho tất cả mọi người, như một vũ khí để giúp người ta chống lại sự suy thoái tinh thần quá nhanh chóng trong thời đại mới”.
Trở về sau cuộc gặp gỡ Babaji, ngài Lahiri trở nên một con người hoàn toàn khác, bao nhiêu ham muốn dục vọng đều tiêu tan. Sau đó không lâu, ngài lại nhận được lệnh của đơn vị thuyên chuyển về Danapur. Tại đây ngài bắt đầu truyền bá pháp môn thiền định. Chẳng bao lâu mọi người ở khắp nơi biết đến và đệ tử ngày càng đông, có lúc lên đến mấy ngàn người.
Trong cuốn sách Tự truyện của một Yogi do Yogananda viết, hình ảnh Babaji còn xuất hiện thêm một lần nữa trong một lần thiền định của Yogananda để động viên Yogananda trước sứ mệnh truyền bá pháp môn thiền định sang thế giới phương Tây.
Ngoài ra, cuốn sách Babaji and the 18 Siddha Kriya Yoga Tradition của M. Govindan, đã dựa vào câu chuyện của Mahavatar Babaji và đưa ra nhiều chi tiết mới, như là ngày sinh của Mahavatar Babaji (30/11/203 C.E), nơi sinh là Parangipettai – Tamil Nadu, đã đạt được sự bất tử dưới sự hướng dẫn của hai vị Siddha vĩ đại của miền Nam Ấn Độ là Agastyar và Bogar.
Theo kienthuc.net