Tinh Hoa

Kỳ 1: Có hay không sự tồn tại của ‘vùng cấm chính trị’?

(TNO) Các quy định trong BLHS hiện hành về các tội danh trên mang tính khái quát cao, trong khi đó lại có sự thiếu vắng các văn bản dưới luật để giải thích cụ thể các vấn đề này. Điều này khiến các phóng viên, nhà báo lưỡng lự khi đề cập đến các vấn đề liên quan đến chính trị, tạo tâm lý “vùng nhạy cảm, vùng cần tránh” để khỏi rơi vào phạm vi áp dụng của Điều 258 BLHS.

Nếu dựa trên pháp luật hiện hành, báo chí Việt Nam nói chung và nhà báo nói riêng đã được trao tương đối đầy đủ về quyền đồng thời được quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ – Ảnh: Ngọc Thắng

Trong sự phát triển “trăm hoa đua nở” của rất nhiều báo giấy, báo mạng và của các mạng xã hội, không khó khăn gì nhận thấy các hiện tương thu hút bạn đọc bằng các “tít giật gân” hoặc miêu tả chi tiết về tình tiết của các vụ việc chưa được pháp luật kết luận với hiệu ứng tạo dư luận của một số người viết báo. Trong loạt bài viết này, chúng tôi thử quan sát dưới góc độ pháp luật, những rủi ro “thập thò” ngay trên bàn phím và trong từng bước tác nghiệp để thấu hiểu và thông cảm cho những người làm báo chân chính, đồng thời cũng giúp những ai, vô tình hay hữu ý dùng ngòi bút với những mục đích riêng sẽ chậm lại để suy ngẫm về những rủi ro đang tiềm ẩn khi không cẩn trọng trong tác nghiệp.

Phóng viên Độc Lập của Báo Thanh Niên tác nghiệp trong sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam

Nếu dựa trên pháp luật hiện hành, báo chí Việt Nam nói chung và nhà báo nói riêng đã được trao tương đối đầy đủ về quyền đồng thời được quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ. Thực vậy, theo Điều 25, Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Điều 14.2 Hiến Pháp 2013: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.”

Điều này của Hiến pháp đã được ghi nhận trong Dự thảo Bộ luật Dân sự (BLDS) sửa đổi gần đây nhất vào17.5.2015, theo đó Điều 3 của Dự thảo BLDS nhắc lại Điều 14.2 của Hiến pháp. Điều này có thể được hiểu theo hai cách:
Cách hiểu thứ nhất, quyền con người, quyền công dân chỉ bị hạn chế khi được quy định trong luật và những quy định này ra đời chỉ để áp dụng cho những trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng và những trường hợp này phải được quy định trong các văn bản luật. Nói cách khác, quyền con người và quyền công dân của một người Việt Nam (bao gồm quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận…) chỉ bị hạn chế trong một số trường hợp nhất định được luật quy định cụ thể và những quy định này phải được ban hành trên cơ sở thỏa mãn những điều kiện cụ thể nếu an ninh quốc phòng, an ninh quốc gia, đạo đức xã hội, và sức khỏe cộng đồng có nguy cơ bị xâm hại.
Cách hiểu thứ hai, quyền con người và quyền công dân của một người Việt Nam theo Hiến pháp sẽ bị hạn chế khi có hai điều kiện sau xảy ra: (1) theo quy định của luật và (2) trong các trường hợp đặc biệt vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Cho dù theo cách hiểu nào quyền tự do ngôn luận, , quyền tiếp cận thông tin của người dân đã được công nhận và bảo vệ tại Hiến pháp. Còn nếu như có những quy định nào dưới Hiến pháp mà cản trở việc thực hiện các quyền trên hoặc mở rộng phạm vi hạn chế các quyền trên thì cần phải xem lại tính hợp hiến của quy định pháp luật đó.
Cụ thể, các quy định pháp luật về báo chí đã quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của nhà báo. Theo đó, Điều 6 của Luật Báo chí ban hành năm 1989 được sửa đổi bởi Điều 1.3 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Báo chí số 12/1999/QH1 ngày 12.6.1999, nhà báo có nhiệm vụ phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội, làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân…, có quyền được cung cấp thông tin và có những quyền hạn riêng biệt như đến các cơ quan, tổ chức, thư viện, bảo tàng, triển lãm để thu thập thông tin, tra cứu tài liệu, làm nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan nhà nước không được từ chối cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi quy định trong Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước Điều 8 Nghị định 51/2002/NĐ-CP ngày 26/4/2002 quy định một số điều của Luật Báo chí (Nghị định 51).
Đồng thời, pháp luật cũng quy định các biện pháp xử lý khi báo chí vi phạm pháp luật như khi báo chí đăng tin sai sự thật thì phải cải chính, công khai xin lỗi người bị thiệt hại, bồi thường thiệt hại cho chủ thể bị thiệt hại và bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
“Vùng cấm”?
Đứng trên góc độ của Hiến pháp và những quy định pháp luật hợp hiến thì nhà báo Việt Nam có quyền, nhiệm vụ phản ánh và tạo những diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân. Không thấy trong Hiến pháp và các luật hợp hiến nói về các vùng cấm mà nhà báo không được đưa tin, tuy vậy, việc quy định nhà báo có “quyền hướng dẫn dư luận” có thể được hiểu như thế nào cho chính xác để tránh tình trạng sự thật báo chí được đăng tải theo một mục đích đị̀nh sẵn. Do vậy, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan báo chí là rất nặng nề vì làm sao để thực hiện trọn vẹn quyền tự do ngôn luận và thiên chức nhà báo mà Hiến pháp và các luật chuyên ngành đã trao, theo tiêu chí “hướng dẫn dư luận xã hội” trong Luật Báo chí.

Chính trị theo định nghĩa trên là những gì thiết thân đến cuộc sống hằng ngày của người dân như chuyện lấn sông Đồng Nai, chuyện chặt cây tại Hà Nội và Sài Gòn mà không hỏi ý kiến người dân, hay việc dùng tiền ngân sách để bồi thường vụ oan sai của công dân Nguyễn Thanh Chấn, cho đến việc người dân bày tỏ ý nguyện phản đối việc Trung Quốc có hành vi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam – Ảnh: Đàm Duy Khánh

Câu trả lời có thể được tìm thấy trong quy định về những tin bài sẽ không được thông tin trên báo chí trong Điều 5 của Nghị định 51, trong đó tại khoản 1, của điều này, những tác phẩm báo chí có nội dung chống đối Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và phá hoại khối đoàn kết toàn dân. Các quy định trong Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành về các tội danh trên mang tính khái quát cao, trong khi đó lại có sự thiếu vắng các văn bản dưới luật để giải thích cụ thể các vấn đề này. Điều này khiến các phóng viên, nhà báo lưỡng lự khi đề cập đến các vấn đề liên quan đến chính trị, tạo tâm lý “vùng nhạy cảm, vùng cần tránh” để khỏi rơi vào phạm vi áp dụng của Điều 258 BLHS.
Do vậy, trong tác nghiệp, các phóng viên, nhà báo có thể bỏ qua những tin bài mà tự bản thân họ cho là rơi vào “vùng cấm” của Điều 5.1 Nghị định 51 và Điều 258 của BLHS. Lâu dần, trong cộng đồng cũng hình thành não trạng “vùng cấm”. Vậy xin phép ít nhất một lần lạm bàn về “vùng cấm” đó xem nó ghê gớm đến đâu. Lâu nay trong cộng đồng doanh nhân và trong giới luật sư, giới mà được xem là những chiến binh bảo vệ quyền của các thân chủ cũng có một điều ngầm hiểu là không nhắc đến “chính trị”, không đi gần đến biên giới của Điều 258. Vậy chính trị là gì mà mọi người đều né tránh?.
Theo từ điển Wikipedia thì chính trị/politics có nguồn gốc từ từ cổ Hy Lạp politikos – là những gì liên quan đến công dân, cho công dân và của công dân. Theo nghĩa hiện đại của từ này thì đấy là lý thuyết về sự ảnh hưởng người khác. Theo nghĩa hẹp, thì chính trị đề cập đến việc kiểm soát một cách có tổ chức về các cộng đồng và phân chia quyền và nguồn lực giữa các cộng đồng trong xã hội.
Trong một xã hội pháp quyền, những vấn đề này đều được luật hóa. Theo quan điểm của học giả Bernard Crick (1929-2008), chính trị là một hoạt động thông qua đó các tập thể cùng chung một số quyền lợi được hòa giải bằng cách chia cho họ một phần quyền lực tương xứng với tầm quan trọng của họ đối với sự tồn vong và lợi ích của cộng đồng. Chính trị theo định nghĩa trên là những gì thiết thân đến cuộc sống hằng ngày của người dân như chuyện lấn sông Đồng Nai, chuyện chặt cây tại Hà Nội và Sài Gòn mà không hỏi ý kiến người dân, hay việc dùng tiền ngân sách để bồi thường vụ oan sai của công dân Nguyễn Thanh Chấn, cho đến việc người dân bày tỏ ý nguyện có hành vi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Vì vậy, chính trị, hay điều mà báo chí xem như “vùng cấm, vùng nhạy cảm”, là những điều rất đỗi bình thường và không có gì phải né tránh.
[1] Điều 258. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân

1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm

Luật sư Trinh Nguyễn và các cộng sự tại công ty Luật Trinh Nguyen & Partners

Theo Thanh Niên