Trào lưu “Kiss Cam”: Có thể làm lây lan AIDS, giang mai, viêm gan siêu vi
Nguy cơ lây lan dịch bệnh
Theo LS Nguyễn Thạch Thảo (thuộc Đoàn LS TP.HCM), đối với các nước phương Tây, trào lưu Kiss Cam được xem là bình thường. Tuy nhiên, trào lưu này lại bắt đầu được các bạn trẻ VN bắt chước và có những hành vi “cưỡng hôn” (ép hôn) các cô gái hoặc chàng trai một cách công khai, trắng trợn. Đây là một hành vi không thể chấp nhận được với một nước có truyền thống văn hóa Á Đông như VN.
LS Thảo cho rằng, Kiss Cam là sự bắt chước một cách bệnh hoạn, không hiểu và biết cách sàng lọc khi du nhập. Họ thực hiện hành vi “cưỡng hôn” đó một cách phản cảm, miễn cưỡng và mang nhiều ý thức chủ quan là lợi dụng trào lưu đó để cố tình thực hiện hành vi mờ ám khác. Chính vì thế, những hành vi này đang gây nên sự lo lắng hết sức cần thiết cho những cô gái hay những thanh niên khi đến những nơi công cộng vào thời điểm hiện nay.
“Với những diễn biến về tình hình dịch bệnh MERS-CoV đang ngày càng phức tạp, Chính phủ đang tìm mọi cách và áp dụng nhiều phương án để có thể ngăn chặn và cách ly đối với các dịch bệnh, nên việc “cưỡng hôn” cần phải được ngăn chặn và chấm dứt ngay vì có thể là mầm mống lây lan dịch bệnh”, LS Thảo nhấn mạnh.
LS Hoàng Như Vĩnh (Phó chủ nhiệm Đoàn LS Đồng Nai) nhận định, xét về đạo đức, Kiss Cam đáng bị lên án; không thể thấy người nước ngoài hưởng ứng là mình cũng làm theo. Giới trẻ hiện nay phải biết tiếp thu, hưởng ứng có chọn lọc. Nếu hành vi cưỡng hôn ấy mà gây thiệt hại cho người bị hôn thì họ bị mất uy tín, đời sống hạnh phúc của họ bị đe dọa, thậm chí gây nhục nhã…
Cần xử phạt
Về góc độ pháp lý, các LS đều cho rằng hành vi này cần được các cơ quan chức năng xử phạt nhằm làm gương cho người khác.
LS Nguyễn Đức Chánh (thuộc Đoàn LS TP.HCM) nhận định, trào lưu Kiss Cam ở Việt Nam quá phản cảm, dễ bị lợi dụng và có dấu hiệu hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể ở đây là hành vi thô bạo, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Cụ thể, Điều 37 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 về “Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín” nêu rõ: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần mạnh tay áp dụng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ để xử phạt hành chính với mức xử phạt là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Nếu quá trình công an điều tra và chứng mình được đối tượng đã lợi dụng trào lưu đó để cố tình thực hiện hành vi ép hôn nạn nhân rồi sau đó có những mục đích xấu nhằm xúc phạm uy tín, danh dự và nhân phẩm của người đó thì cần thiết nên xem xét và truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh “Làm nhục người khác” theo Điều 121 BLHS”.
LS Thảo cũng đặt giả thiết, với việc cưỡng hôn bạn gái của một người nào đó giữa thanh thiên bạch nhật thì người yêu của cô gái đó chắc chắn sẽ có những phản ứng mạnh mẽ và quyết liệt đối với đối tượng trên và như vậy khả năng sẽ có một vụ án “cố ý gây thương tích” hay “giết người trong trạng thái bị kích động mạnh” (?).
Ngọc Lê – Lương Ngọc |
Theo Thanh Niên