Bị lãng quên trong nhà kho ở ngoại ô Texas, tập bản thảo cũ kỹ của một người bán thịt, không ngờ lại chứa đựng những phát minh khoa học tuyệt vời.
Thế kỷ 20, có thể nói là thế kỷ của những nhà phát minh vĩ đại. Những con người với tri thức và niềm say mê khoa học vô bờ bến, đã sáng tạo nên cả những phép màu, những thứ đã làm thay đổi cuộc sống của loài người hiện đại, vĩnh viễn. Thế nhưng cũng có những ý tưởng những phát minh đáng ngạc nhiên, nhưng lại chưa bao giờ được người ta biết đến. Chúng đã nằm im trong ngăn kéo cùng với sự e dè kín đáo của chủ nhân và tưởng chừng như sẽ mãi mãi bị lãng quên.
Trong suốt cuộc đời của mình, Charles Dellschau chỉ được mọi người biết đến như là một người bán thịt cáu kỉnh tại khu chợ nhỏ ở ngoại ô Texas, nơi ông sinh sống. Chẳng ai nghĩ rằng bên trong con người “quá đỗi tầm thường” đó lại ấp ủ niềm say mê khoa học và một sức sáng tạo phi thường. Năm 1969, người thu mua phế liệu tình cờ phát hiện ra một tập bản thảo khoa học kỳ lạ trong nhà kho cũ kỹ ở ngoại ô thành phố Texas. Lúc đó không ai có thể ngờ rằng những trang giấy ố vàng, đóng bụi qua nhiều thập kỷ kia, lại chứa đựng nhiều ý tưởng khoa học đáng cho người ta ngả mũ. Mary Jane Victor, cô sinh viên ngành lịch sử nghệ thuật đi làm thêm, đã nhanh chóng bị thu hút bởi những trang giấy bản chứa đựng nhiều hình vẽ kỳ lạ bằng màu nước cùng với những ghi chép chú thích công phu. Hơn 2.500 bản vẽ mô tả các thiết kế phức tạp của máy bay, cùng với rất nhiều những đoạn ghi chép khó hiểu. Tất cả đều được tác giả chăm chút rất cẩn thận, thế nhưng lại chỉ được đóng tập một cách sơ sài với hai mảnh bìa cứng và một sợi dây buộc giầy thô lậu.
Victor ngay lập tức thông báo cho Giám đốc Nghệ thuật của Đại học Rice, Dominique de Menil, một nhà bảo trợ nghệ thuật hàng đầu ở Houston. Menil nhanh chóng nhận ra giá trị lịch sử của tập bản thảo. Ông đã bỏ ra hơn 1.500$ để sao chụp những bản vẽ, tạo thành 4 cuốn sách và gây được tiếng vang lớn khi trưng bày tại một cuộc triển lãm mang tên “Chuyến bay”. Vậy là những sáng tạo đáng kinh ngạc của Charles Dellschau, một người Phổ nhập cư hết sức tầm thường, cuối cùng cũng đã được người đời biết đến, gần 50 năm sau khi chủ nhân của chúng qua đời vào năm 1923. Dellschau chuyển đến Hoa Kỳ từ thành phố Hamburg vào năm 1853, khi ông 25 tuổi. Những tài liệu của chính quyền địa phương cho biết ông sinh sống tại hai tiểu bang California và Texas cùng với gia đình, suốt cuộc đời đã làm việc như một người bán thịt trong khu chợ nhỏ gần nơi ở. Sau khi nghỉ hưu vào năm 1899, Dellschau bắt đầu dành toàn bộ thời gian trong căn phòng nhỏ bé của mình để đánh vật với những ý tưởng “điên rồ”. Ông tham gia một nhóm bí mật bao gồm những người đam mê máy bay ở California được gọi là “Sonora Aero Club”.
Nhóm này được thành lập từ giữa thế kỷ 19 và tập hợp được khá nhiều “nhà phát minh” nghiệp dư nhưng không hề kém phần đam mê và táo bạo, và Dellschau là một trong số những con người “say” nhất. Anh em nhà Wright (những người được cho là ông tổ của ngành thiết kế máy bay) mãi cho đến năm 1903 mới thực hiện được chuyến bay đầu tiên của họ. Ấy vậy mà Dellschau cùng với bạn bè đã từng thử nghiệm mẫu thiết kế “máy bay trực thăng” hoạt động nhờ máy phát điện và càng hạ cánh của ông từ trước đó. Những “chiến tích” của Dellschau và Sonora Aero Club dĩ nhiên chưa bao giờ được ghi nhận chính thức. Thậm chí người ta còn nghi ngờ về sự tồn tại của nhóm người “kỳ quái” này. Tuy nhiên việc phát hiện ra những bản thiết kế máy bay công phu của Dellschau đã khiến cho người ta phải suy nghĩ lại nhiều điều. Pete Navarro, một họa sỹ kiêm nhà nghiên cứu UFO (những vật thể bay không xác định) sau khi nghiên cứu tập bản thảo của Dellschau đã đưa ra một ý tưởng kỳ lạ. Ông tin rằng có sự liên quan giữa các thiết kế của Dellschau với hàng loạt những “con tàu bay” bí ẩn được nhìn thấy khắp nước Mỹ hồi đầu thế kỷ vừa qua.
Navarro trở nên say mê và bị ám ảnh bởi việc giải mã những tài liệu mà Dellschau để lại. Năm 1972, ông phát hiện ra rằng Dellschau còn viết 8 cuốn sách nữa, nhưng tất cả đều đã thất lạc, thậm chí có thể đã nằm trong các bãi rác từ hàng chục năm qua. Ông cất công tìm kiếm các thông tin về những vụ phát hiện vật thể bay kỳ lạ được báo chí nhắc đến trong khoảng thời gian cuối thể kỷ 19 cho đến đầu thế kỷ 20, sau đó lại so sánh đối chiếu với những thiết kế và ghi chép mà Dellschau để lại. Thật ngạc nhiên là không ít sự kiện trong số đó lại có liên quan đến ghi chép của Dellschau. Điển hình như một bài báo xuất bản năm 1897 trên tờ San Antonio Daily Express kể về việc phát hiện một “tàu bay” bí ẩn và nhân chứng cho biết người chế tạo tên là Tosh Wilson. Navarro sau đó đã tìm thấy cái tên Tosh Wilson trong danh mục thành viên của nhóm Sonora mà Dellschau ghi lại.
Ngay bản thân Dellschau cũng tự mình sưu tầm và lưu trữ lại trong tập bản thảo nhiều bài báo đương thời viết về sự xuất hiện của các “máy bay”. Tuy nhiên ông lại không hề đả động đến việc những sự kiện đó có liên quan gì đến các phát minh và nghiên cứu mà nhóm của ông đang theo đuổi hay không. Dellschau cũng không khẳng định ai là tác giả của những bản thiết kế “máy bay” không tưởng được lưu trong tập bản thảo. Ông chỉ tự nhận mình là “người ghi chép và lưu giữ” những tài liệu quan trọng của “câu lạc bộ” chứ không phải là một trong những nhà phát minh hay phi công. Năm 2009, Pete Navarro sau nhiều năm nghiên cứu đã công bố kết quả của mình trong tác phẩm Những bí mật của Dellschau. Cuốn sách tiết lộ rất nhiều kịch bản mà Navarro đã kỳ công giải mã trong suốt hàng chục năm trời. Cuộc đời kỳ lạ và những trang bản thảo bí ẩn của Dellschau, một lần nữa lại tạo thành cơn sốt trong dư luận Mỹ. Thậm chí mỗi trang ghi chép của ông còn được bán với giá lên tới 15.000$ trong một cuộc đấu giá công khai. Đối với những người đam mê hàng không và lịch sử thú vị của nó, những bản thiết kế “đáng kinh ngạc” của Dellschau ở thời kỳ mà máy bay còn là điều “không tưởng” đối với loài người, cứ như là câu chuyện cổ tích về một anh bán thịt vậy! Theo Thái Hồ |
Theo Tấm Gương