Đại lễ Duyệt binh vào ngày 3/9 đã kết thúc, giới truyền thông cho rằng lễ Duyệt binh thiếu một phân đoạn vô cùng quan trọng: Không tưởng nhớ các tướng sĩ tử trận và lòng tôn kính tiếc thương với người dân đã hy sinh. Đây có phải là sơ suất quan trọng hay chính là ý đồ của chủ tịch Tập Cận Bình?
Đại lễ Duyệt binh vào ngày 3/9 đã kết thúc, nhưng dư âm của nó vẫn đang được dư luận quan tâm. Giới truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã có bài viết cho rằng Đại lễ Duyệt binh trước tiên là để kiểm lại “lòng trung thành và ủng hộ” của quân đội với ông Tập Cận Bình. Đây là ý nghĩa quan trọng nhất của Đại lễ Duyệt binh lần này.
Gần đây, giới truyền thông Hồng Kông có bình luận phân tích, lễ Duyệt binh nhằm kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát-xít nhưng lại thiếu một phân đoạn vô cùng quan trọng: Không tưởng nhớ các tướng sĩ tử trận và lòng tôn kính tiếc thương với người dân đã hy sinh. Điều này vô tình trở thành bằng chứng ủng hộ cho nhận định đã nói ở trên. Phân tích chỉ ra, ông Tập Cận Bình ngoài việc củng cố quyền lực còn âm thầm tăng tốc kế hoạch “thoát Giang”.
Mục đích của Đại lễ Duyệt binh đã rõ
Ngày 30/8, Nhân dân Nhật báo đã cho đăng bài của của Trung tướng Vương Kiện, Phó Chính ủy Quân khu Bắc Kinh, là người đảm nhiệm vai trò Phó Tổng chỉ huy Lễ Duyệt binh. Bài viết cho biết: “Duyệt binh để thể hiện lòng trung thành, trước tiên là của các tướng sĩ quân đội thể hiện ý chí kiên quyết bảo vệ Chủ tịch Tập cùng Trung ương Đảng”.
Có phân tích cho rằng, những cách làm chưa có tiền lệ trong Đại lễ Duyệt binh lần này cho thấy ý đồ thực sự của buổi lễ, đó là ông Tập Cận Bình công khai biểu thị quyền kiểm soát của mình với lực lượng quân đội và cục diện chính trị cao cấp trong ĐCSTQ, đây là cơ sở để ông tiếp tục kế hoạch “đánh hổ chống tham nhũng”, tiếp đến là thực thi các cơ sở quan trọng nhất của kế hoạch cải cách.
Ngày 4/9, Apple Daily đăng bài bình luận chỉ ra rằng, tuy Đại lễ Duyệt binh đã kết thúc nhưng có thể thấy rõ là “nội đấu chưa nghỉ, ngoại tranh chưa dứt”. Cục diện chính trị vẫn tiềm tàng những cơn cuồng phong.
Nhận định về Đại lễ Duyệt binh ngày 3/9, bài viết cho rằng, hoạt động này nhằm kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát-xít, thế nhưng lại thiếu một khâu quan trọng nhất, cho thấy: Hoạt động lần này hoàn toàn không thể hiện tình cảm tiếc thương hướng về các tướng sĩ và người dân đã hy sinh xương máu. Nhìn chung, việc tưởng nhớ công lao của thế hệ trước không nằm trong mục đích hoạt động lần này.
Ở một phương diện khác, Duyệt binh ngày 3/9 có điểm giống với cuộc diễn tập quy mô lớn ở Hoa Bắc năm 1982. Khi đó Đặng Tiểu Bình luôn phê bình quân đội bạc nhược tinh thần, vì thế ông này muốn thông qua hoạt động duyệt binh để đẩy mạnh hơn nữa việc huấn luyện quân đội, mong quân đội sẽ “giúp ích nhiều hơn cho nhân dân”.
Ngày nay, sau các vụ bê bối của Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương các khóa trước là Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng, những người bị truy cứu vì tham nhũng, tình cảm của nhân dân với quân đội đã xuống rất thấp, sức chiến đấu bị nghi ngờ. Vì thế, ông Tập Cận Bình muốn thông qua Đại lễ Duyệt binh một mặt để đề cao uy quyền cá nhân, mặt khác để kích động hình ảnh tinh thần của quân đội.
Nhà bình luận thời sự Hoành Hà khi trả lời phỏng vấn của Đài phát thanh Hy Vọng (Sound of Hope) đã cho biết:
“Rõ ràng ông Tập Cận Bình vì mục đích giành quyền lãnh đạo quân đội để có thể dễ dàng chi phối nội bộ Đảng. Trước đây ông Đặng Tiểu Bình cũng thông qua tổ chức hoạt động duyệt binh ở Hoa Bắc để thể hiện mình đã nắm quyền kiểm soát quân đội”.
Tăng tốc “thoát Giang”
Kể từ cuối Tháng 7, giới truyền thông của ĐCSTQ bắt đầu khởi động những tín hiệu nói bóng gió về Giang Trạch Dân. Đặc biệt sau cuộc họp ở Bắc Đới Hà, báo chí Trung Quốc đại lục bàn tán đề tài “người đi trà lạnh” để ám chỉ việc “ông già” tham gia vào chính sự. Điều này cho thấy ông Tập Cận Bình đã không ngại công khai thể hiện quan điểm của mình. Ngày 21/8, hòn đá có lời đề từ của Giang Trạch Dân ở trước trường Đảng Trung ương bị dời đi, biểu hiện cho thấy kế hoạch “thoát Giang” đã khởi động.
Tuy Đại lễ Duyệt binh lần này Giang Trạch Dân có tham dự, nhưng từ góc độ ống kính của giới truyền thông thì hình ảnh của Giang chỉ xem như làm nền để tôn lên vai trò trung tâm quyền lực của ông Tập Cận Bình. Sự việc tại Hội nghị Tập Cận Bình tuyên bố giải trừ quân bị 300 ngàn quân được ngoại giới nhận định là sự tăng tốc “thoát Giang”.
Sau tuyên bố giải trừ quân bị, Bộ Quốc phòng ĐCSTQ công khai thông tin trên báo chí rằng, đợt giải trừ quân bị lần này để thải hồi những quân trang cũ kỹ, tinh giản bộ máy, đặc biệt là những tổ chức không tham gia chiến đấu. Về sự việc này, Thiếu tướng Từ Quang Dụ, nguyên phó Bộ trưởng Bộ Tổng tham mưu Quân đội, khi trả lời phỏng vấn báo chí đã cho biết: “Trong tương lai lực lượng vũ trang có thể sẽ được tổ chức lại, có thể trở thành lực lượng canh giữ lãnh thổ quốc gia bình thường, khi có chiến tranh mới được bổ xung vào quân đội chính quy”.
Giới truyền thông hải ngoại phân tích, lực lượng vũ trang được xem là “quân nhà Giang”, khi ông Giang nắm quyền một tay thâu tóm, dường như trở thành quân đội nửa tư nhân của Giang Trạch Dân. Đây hiển nhiên là đòn mạnh nhất của ông Tập Cận Bình đánh vào Giang Trạch Dân.
Giới truyền thông hải ngoại còn nhận định, Tập Cận Bình sẽ nhanh chóng đại cải tổ hệ thống công an, sẽ loại bỏ toàn bộ lực lượng “Quốc bảo”. Đây là hệ thống đứng trên pháp luật do Giang Trạch Dân trước đây dựng lên, công việc quan trọng nhất là trấn áp Pháp Luân Công và những nhân sĩ có ý kiến khác biệt.
Nhà bình luận thời sự chính trị Đường Tịnh Viễn cho biết:
“Quốc Bảo là con dao hung hiểm nhất trong tay Giang Trạch Dân. Có thể thấy rõ kế hoạch ‘thoát Giang’ đã từ thời kỳ biểu diễn của dư luận đi đến giai đoạn thực chất. Vì việc quét sạch thế lực của Giang Trạch Dân có liên hệ chặt chẽ đến sự thành bại của kế hoạch chống tham nhũng, cũng quan hệ đến số phận của bản thân ông Tập Cận Bình. Vì thế nhiều tín hiệu ‘thoát Giang’ sẽ xuất hiện thêm trong giai đoạn sắp tới”.
Theo daikynguyenvn.com