Nghề giáo là một nghề cao quý nhưng khi những con người làm công tác giảng dạy không đủ nuôi thân bởi đồng lương còi cọc cùng những quy chế ràng buộc, thì liệu đó còn có thể gọi là một nghề.
Trong những ngày cao điểm về việc giáo viên bị ‘bắt quả tang’ khi đang dạy thêm tại nhà, chúng tôi nhận được một lá thư từ nhà báo Lê Tuyết. Cô chia sẻ những cảm xúc cay đắng khi nghĩ đến những người giáo viên vẫn đang phải oằn mình sống bằng đồng lương ‘không tưởng’ bởi định kiến của một hệ thống về việc ‘dạy thêm và học thêm’. Vẫn biết đồng tiền không phải động cơ tối thượng của nghề giáo. Nhưng những vấn đề xung quanh đó không khỏi khiến người ta suy nghĩ.
Hôm rồi con đọc bài báo về chuyện thầy giáo dạy thêm trong trường, khi bị “phát hiện”, bị truy vấn về chuyện dạy thêm, thầy nói rằng: “Chuyện dạy thêm ai cũng phải làm để sống. Nếu chỉ bằng đồng lương nhà nước thì khó để chúng tôi làm việc tốt”. Đọc những lời ấy, con thấy xót quá cô ạ.
Con còn nhớ, ngày con đi học, con ước mình sau này trở thành cô giáo dạy Văn. Nhưng rồi ước mơ ấy đã “chết ngắc” khi con thấy thằng Phúc lớp mình nó bất cần môn Văn như thế nào, khi bài tập làm văn bị điểm thấp, nó đã vò nát cái bài của nó ra sao. Cô, đầu đã hai màu tóc lại khóc vì một đứa chỉ bằng tuổi con mình. Lau nước mắt rồi cô vẫn tiếp tục bài giảng nhưng giọng cô thì lạc đi nhiều. Thêm cái bệnh tắt tiếng hay tái phát, bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh hay đến thế, mà lòng người lại thật thảm thương!
Hồi đó, một tiết dạy 45 phút được mấy chục ngàn cô nhỉ? Chưa được một bát phở đâu. Thơ văn, chữ nghĩa sao mà rẻ. Mười năm rồi, mỗi dịp Tết đến con đều ghé thăm cô. Vẫn cỗ bàn đó, một cặp bánh tét, một chậu cúc, mâm cỗ với nải chuối và một trái dừa mà nhà trồng được. Đơn giản đến mức không thể đơn giản hơn được nữa. Năm rồi con về, em Huy chuẩn bị thi đại học. Một mình một con, ánh mắt cô hơi buồn, cô bảo “cũng hơi loay hoay đôi chút”. Trong câu chuyện, chỉ có nói về học trò là thấy cô vui. Cô hàn huyên về mấy đứa học lớp văn cô ngày đó, cô vui khi học trò của cô bây giờ làm chỗ này chỗ kia, đi đây đi đó, thu nhập cũng khá…Còn học trò thì thương cô. Cô sắp sửa về hưu mà đồng lương vẫn chưa bằng nửa lương học trò!
Cô bây giờ là tổ trưởng tổ văn. Con đùa “chức to quá cô hen”, rồi hai cô trò cười. Cô thương học trò. Hồi trường tổ chức học bồi dưỡng văn nhằm chọn ra người đi thi tỉnh, các bài viết của trò, cô đều nhận xét kỹ lắm. Khi luyện thi đại học, nhóm tụi con mấy đứa đều lên nhờ cô dạy thêm. Dạy thì nhiều mà học trò thì ít, cô lấy mỗi đứa 50 ngàn cho cả mấy tháng trời. Riêng con thì cô bảo, thi Văn đạt giải nên cô dạy làm quà, chẳng lấy tiền. Con đậu đại học, cô mua một thước vải hoa, tặng con may áo…
Con yêu quý cô, kính trọng nghề giáo của cô và nhiều lúc ước được đứng trên bục giảng để nói về bài thơ Sóng như cô đã từng… nhưng thực tình con thấy mình đúng khi hồi đó “cãi lời cha mẹ, không thi sư phạm”! Bởi con biết chắc, khi đi dạy, con sẽ không được tận tâm như cô, không đủ kiên nhẫn để giảng giải khi mà học trò trâng tráo thách đố cô bình tĩnh hết hai tiết. Con sẽ không thể an tâm đi dạy, khi buổi sáng đến trường, hít hà cái lạnh cuối năm, con phải đắn đo khi đi ngang một hàng phở…
Cô cả đời làm nghề giáo tử tế và cô nghèo cả đời với nghề giáo…
Con kể cô chuyện này. Em gái con ngoan hơn nên nghe lời ba má đi học sư phạm. Em ra trường, về dạy ở một trường cấp 2 tại thị xã mà không phải tốn hàng trăm triệu đồng chạy việc như đám bạn cùng lớp. Lương của em mỗi tháng chừng 2,5 triệu đồng. Nhiều lần em gọi điện vào, nói như mếu: “Không đủ mua sữa cho con luôn. May mà còn có ông bà, nội ngoại hai bên”.
Trường em là trường điểm, phụ huynh nào cũng giàu, nhiều người có chức vị ở thị xã, họ muốn em dạy kèm cho con họ, họ than bây giờ chương trình gì mà nặng quá! Con nhà ai cũng phải giỏi, môn nào tổng kết dưới bảy, tám phẩy là không được. Toán, lý, hóa, sinh, sử….môn nào cũng phải chín, phải mười. Họ nhờ em dạy thêm vì họ đi làm suốt, không có thời gian kèm. Mà sểnh ra là nó lại game, lại chat chít với lũ bạn…
Nhưng mà em sợ lắm. Bây giờ người ta bắt bớ chuyện dạy thêm như bắt chuyện vụng trộm vậy. Báo chí nói về thầy cô dạy thêm như những tội phạm, thậm chí còn có cả đường dây nóng tố giác chuyện dạy thêm… Nhiều người nhờ nên em thuê một cái phòng ở xa trường để dạy. Em bảo, nhiều lúc em thấy nhục quá. Lương em mà khá khá một chút, đủ tiền mua sữa cho con, cơm ăn hai bữa, xăng xe, dư ra may được một bộ áo dài là cho vàng em cũng không dạy. Em mà là đàn ông, em sẽ giữ xe, đi bỏ báo, chở hàng mà kiếm tiền… Nói thì nói vậy nhưng khi đi làm lại sợ học trò nó thấy. Em thắc mắc rằng tại sao em phải sống thanh cao khổ hạnh? Nghe em nói mà xót quá cô nhỉ?
Thực tình, con chẳng cổ xúy chuyện đua nhau dạy thêm đâu, con chỉ đồng ý rằng “nếu chỉ bằng đồng lương nhà nước mà sống thì khó để chúng tôi làm việc cho tốt”.
Con vẫn yêu cái nghề của cô và con vẫn chưa thôi hết lo cho cuộc sống khổ hạnh của em gái con.
Con đọc những bài người ta nói về chuyện dạy thêm và con tự hỏi: có bao giờ họ thử ép mình sống bằng đồng lương của một giáo viên chưa? Bao lâu nay cấm việc dạy thêm, học thêm ráo riết như vậy nhưng nền giáo dục này đã tốt đẹp lên được bao nhiêu? Mà thôi, chuyện đó để những người cấm dạy thêm, bắt bớ dạy thêm trả lời…
Cô thì đừng buồn nhiều quá nghen cô!
Theo Người Lao Động