Có rất nhiều người cho rằng, bản thân cảm thấy mình bình thường sống cũng tốt, không làm hại ai, thi thoảng cũng làm vài việc tốt. Họ cho rằng đây là lương thiện rồi. Nhưng kỳ thực không phải.
Im lặng trước cái ác là đồng lõa với tội ác
Ngạn ngữ phương Tây có câu: “Không có một hạt mưa nào nhận rằng mình tạo thành nạn lụt cả!”. Điều này cũng đúng với con người, khi một người làm một việc ác nhỏ, đến thời gian đủ lâu sẽ tạo thành tai kiếp to lớn, nhưng bản thân từng người khi đối mặt với tai họa lại đổ lỗi cho người khác và xem mình là người vô tội.
Trong sử sách phương Tây có ghi chép về việc tín đồ Cơ Đốc bị đế quốc La Mã đàn áp. Các tín đồ đứng trước hai lựa chọn, một là hối lỗi và từ bỏ đức tin của mình; hai là chịu các hình phạt tra tấn đến chết như: đóng đinh, cho mãnh thú ăn thịt, thiêu sống… Điều ngạc nhiên là có rất nhiều tín đồ thà chết chứ không từ bỏ đức tin.
Khi tội ác quá lớn thì cũng phải đến lúc nhận quả báo, đó là quy luật của vũ trụ xưa nay. Đế quốc La Mã sau đó liên tiếp chịu những tai ương bất ngờ từ trời giáng xuống. Thiên tai dịch bệnh liên tiếp kèm theo nhiều dị tượng hung hiểm như: kinh tế liên tục gặp trục trặc, tụt dốc không phanh đứng trên bờ vực sụp đổ; dịch bệnh liên tiếp xảy ra cướp đi tính mạng của vô số người, đặc biệt là đại dịch Antonine (165 SCN) và Cyprian (249 SCN)…
Có người thắc mắc, tội ác này là do đế quốc La Mã gây ra, vậy vì sao những người dân vô tội lại phải chịu chung quả báo, lẽ nào ông Trời không có mắt, thiện ác bất phân? Nhưng những người này không tự hỏi: khi tín đồ Cơ Đốc bị phỉ báng thì có ai dám đứng ra nói lời công đạo; Khi tín đồ Cơ Đốc bị hành quyết thì có ai dám lên tiếng chỉ trích cái ác; Khi tín đồ Cơ Đốc bị vu khống thì có ai lý trí tìm hiểu trắng đen, hay liền lập tức tin lời nói dối rồi hùa vào công kích… Im lặng trước cái ác, vì lợi ích của bản thân mà bán đi lương tri chính nghĩa thì chính là cung cấp thêm sức mạnh cho kẻ ác. Tội này so với kẻ thủ ác kém nhau bao xa?
Trong văn hóa phương Tây thì thờ ơ, ích kỷ và im lặng trước cái ác chính là tội ác vô cùng lớn. Cụ thể tác phẩm nổi tiếng “Thần Khúc” của Dante miêu tả: thảm thương nhất không phải là những linh hồn bị đọa địa ngục mà chính là những kẻ bị cả Thiên đường và Địa ngục chối từ, trở thành những linh hồn phiêu đãng, không có nơi để tá túc, thống khổ vô cùng. Đó chính là những người khi sống chỉ nghĩ tới bản thân, không dám lên tiếng trước cái ác, không dám lựa chọn thiện hay ác.
Trời cao có mắt, trên đời này không có tai bay vạ gió
Ở phương Đông, khi nói đến vấn đề lên tiếng trước cái ác thì không thể không nhắc đến câu chuyện: nỗi oan của nàng Đậu Nga. Đậu Nga bị hàm oan bị giải đến pháp trường, trên đoạn đầu đài tên tham qua hỏi cô: Có lời nào nói trước khi chết không?
Đậu Nga đáp: “Xin hãy ban cho tôi một mảnh lụa trắng dài ba thước treo lên một cây sào cao. Nếu như tôi bị oan, máu nóng sẽ bắn lên trên dải lụa trắng kia. Nếu như tôi bị oan, đầu rơi xuống đất, trời sẽ có tuyết rơi lả tả. Nếu như tôi bị oan, sau khi tôi chết trời sẽ hạn hán trong suốt 3 năm liền.”
Tên tham quan nhếch môi nói: “Thật là ngu muội! Hoang đường!”, nhưng ông ta cũng làm theo ý cô, sai người treo lên sào cao một dải lụa trắng.
Sau khi hành hình, thì quả như lời Đậu Nga nói, máu của cô bắn lên dải lụa trắng, gió bắt đầu nổi lên, tuyết bay khắp trời.
Những người chứng kiến vỗ cũng hoảng sợ, mồ hôi vã ra, sống lưng lạnh ngắt, vội vàng chạy về nhà.
Sau khi Đậu Nga chết, quả thật trời hạn hán 3 năm liền, khiến mùa màng thất bát, dân chúng đói khổ. Ai ai cũng biết rằng trời cao đang bất bình cho nỗi oan của Đậu Nga
Mấy năm sau, cha của Đậu Nga làm quan lớn, trở về quê nhà rửa sạch oan khuất cho cô. Lúc này người dân trong thôn kéo đến nói: “Ngay từ đầu chúng tôi đã biết Đậu Nga bị oan, tiếc rằng chúng tôi đều sợ quyền thế của tên tham quan đó nên chỉ dám hận chứ không dám nói gì. Nhưng chúng tôi cũng không hề hãm hại Đậu Nga, cớ sao lại phải chịu nạn trong suốt 3 năm?”
Cha của Đậu Nga đáp: “Mọi người đã biết rõ Đậu Nga bị oan, vậy mà lại không dám nói một lời công đạo, đó gọi là bất nghĩa. Còn có những người theo lời tham quan, vu tội người lương thiện, đó gọi là bất nhân. Trời cao có mắt, trên đời này không có tai bay vạ gió, thiên tai nhân họa chính là để trừng trị những kẻ bất nhân bất nghĩa!”
Không làm hại ai thì đã là lương thiện?
Con người thường cố gắn làm nhiều việc thiện để tích đức mong được trời cao chiếu cố, từ đó có được phúc báo. Điều này không có sai, nhưng đa phần mọi người đã quên đi một điều chính là Trời chỉ ban phúc cho người tốt. Vậy như thế nào là người tốt? Thần có tiêu chuẩn riêng về người tốt xấu. Bạn nói rằng mình là người tốt, người khác cũng nói bạn là người tốt nhưng nếu Thần không xem bạn là người tốt thì cũng không có tác dụng gì.
Người xưa có câu: “Người đang làm, Trời đang nhìn”. Những sự việc xảy ra trong cuộc đời chúng ta đều có nguyên nhân. Điều mà người ta nghe được, tiếp xúc đến được hay biết được đều có quan hệ đến bản thân chứ không phải vô duyên vô cớ. Đó là an bài để khảo nghiệm sự thiện lương, lòng trắc ẩn của mỗi người, xem tâm tính của chúng ta đang ở đâu. Đối với sự việc đó là dùng thiện hay ác niệm để đối đãi, từ đó đắc được nhân quả tương ứng. Đây cũng chính là hàm nghĩa của câu: “Một niệm thiện ác định tương lai”
Có rất nhiều chuyện trong cuộc sống, khi đối diện với việc ác rất lớn, người ta thường có cảm giác bất lực, nghĩ rằng bản thân nhỏ bé thế này thì giúp được gì? Từ đó mà buông lơi. Kỳ thực chỉ một suy nghĩ phản đối cái ác hiện ra trong đầu, một hành động nhỏ tưởng chừng vô ích ấy đôi khi là rất quan trọng. Bởi vì lúc đó bạn đã lựa chọn vị trí cho chính mình. Một niệm lựa chọn của bạn tuy người khác không nhìn thấy nhưng Thần nhìn thấy vô cùng rõ ràng.
Làm người là có tiêu chuẩn, chính là tuân theo những giá trị phổ quát được lưu truyền trong nền văn hóa nhân loại. Ấy là sự chân thật, thiện lương, là bao dung với vạn vật, cũng là bảo trì chính nghĩa, bảo tồn lương tri, dù bị đe dọa hay uy hiếp cũng không chấp nhận đồng lõa với cái ác. Con người sống nơi thế gian thì cần phải sống thiện lương, phân rõ đúng sai, giữ vững chính nghĩa, chống lại tà ác.
Một mực muốn phúc lành mà không nguyện ý duy hộ đạo lý của con người, thì làm sao xứng nhận được bảo hộ đây? Thần linh sao có thể giúp người ấy được? Vậy nên, đừng thấy việc thiện nhỏ mà không làm, đừng thấy việc ác nhỏ mà làm, đừng do dự, cũng đừng thờ ơ. Hãy luôn nhớ rằng trong mọi việc, giúp người khác kỳ thực cũng là giúp chính mình.
Theo Sound of Hope