Tinh Hoa

Chưa có kết luận cá an toàn, ngư dân 4 tỉnh ảnh hưởng Formosa không được đánh bắt gần bờ

Vì Bộ Y tế chưa có kết luận về an toàn thực phẩm đánh bắt, ngư dân 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế được yêu cầu không đánh bắt hải sản tầng đáy ở khu vực 20 hải lý trở vào bờ.

Ngư dân 4 tỉnh bị ảnh hưởng sự cố Formosa được yêu cầu không đánh bắt hải sản tầng đáy ở khu vực 20 hải lý trở vào bờ. (Ảnh: Thanh Niên)

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về các giải pháp khắc phục sự cố, ổn định đời sống, sản xuất kinh doanh cho người dân 4 tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố Formosa năm 2016 gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế.

Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu 4 tỉnh tiếp tục vận động ngư dân không đánh bắt hải sản tầng đáy ở khu vực 20 hải lý trở vào bờ, cho đến khi Bộ Y tế có kết luận về an toàn thực phẩm đánh bắt tại khu vực này và nguồn lợi thủy sản đã được khôi phục.

Trước đó, tại Hội nghị “Công bố kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế” diễn ra hồi tháng 8/2016, bộ Tài nguyên & Môi trường cho biết, nước biển miền Trung đã “đạt chuẩn” cho hoạt động bơi lội, nuôi trồng thủy sản, riêng cá biển đã an toàn hay chưa thì “cần chờ thêm nghiên cứu từ Bộ Y tế“.

Để khẳng định công bố trên, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã xuống tắm ở bãi biển Cửa Việt (huyện Gio Linh, Quảng Trị). Sau đó, đoàn công tác của Bộ trưởng còn ăn hải sản ở bãi biển Cửa Việt.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà (thứ hai từ phải sang, hàng trên) cùng đoàn lãnh đạo tỉnh Quảng Trị tắm biển Cửa Việt. (Ảnh: Lao Động)

Về đền bù thiệt hại cho người dân, ông Bình yêu cầu các tỉnh hoàn thành việc áp giá, định mức, phê duyệt tổng mức thiệt hại và chi trả phần kinh phí đền bù đã được tạm cấp trước ngày 30/6 và có đề xuất để Bộ Tài chính tiếp tục chi trả.

Chính phủ đồng ý rà soát lần cuối cùng về bổ sung người bị thiệt hại sẽ được đền bù, hỗ trợ. Đồng thời đồng ý giải quyết số hải sản lưu kho theo đề nghị của tỉnh Quảng Bình (3.096,5 tấn trong đó có 134,6 tấn không đảm bảo an toàn thực phẩm đã được tiêu hủy) và tỉnh Quảng Trị (21,05 tấn không đảm bảo an toàn thực phẩm) đã được Bộ Y tế kiểm nghiệm và các tổ công tác liên ngành xác nhận.

Tháng 4/2016, hiện tượng cá chết hàng loạt khởi nguồn từ một số lồng nuôi cá bè gần khu công nghiệp Vũng Áng (Sơn Dương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), sau đó lan đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế khiến đời sống người dân 4 tỉnh lao đao.

Sau gần 2 tháng các viện nghiên cứu, 100 nhà khoa học trong và ngoài nước đã vào cuộc tìm nguyên nhân, Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh thừa nhận là nguyên nhân trực tiếp gây ra thảm họa cá chết, cam kết bồi thường 500 triệu USD để khắc phục hậu quả và cải tạo môi trường.

Theo Tuổi Trẻ