Cổ nhân sở dĩ không dám làm trái lời thề, thật ra là có nguyên nhân. Bởi vì rất nhiều người làm trái lời thề, đều bị Thần trừng phạt. Không chỉ nói đến những người bình thường, mà cho dù là vương hầu quyền quý cũng không ngoại lệ.
Trong “Tam tề yếu lược” có ghi lại, Tần Thủy Hoàng làm cầu đá, muốn vượt biển đi về nơi mặt trời mọc. Tương truyền, khi đó có một vị thần tiên cắt đá đem ra biển. Ở Dương Thành có mười ngọn núi, bấy giờ tất cả đều đồ sộ, cao chót vót, hơn nữa đều nghiêng về hướng Đông, giống như chỉ hướng mà đi vậy. Còn nói, núi đá đi quá chậm, thần tiên kia dùng roi quất, tảng đá bị chảy máu, cuối cùng đã hoàn toàn biến thành màu đỏ.
Còn có người nói, Tần Thủy Hoàng làm cầu đá trên biển, không phải là do con người có khả năng làm mà thành, mà là nhờ Thần biển lập trụ cầu.
Tần Thủy Hoàng cảm tạ ân huệ của hải Thần, bèn thắp hương cầu nguyện, thỉnh cầu được gặp ngài. Thần biển nói: “Hình dáng của ta thập phần xấu xí, chúng ta hãy giao ước trước, tuyệt không được vẽ hình ta lại, như vậy thì ta với ngươi mới có thể gặp”.
Tần Thủy Hoàng lúc đó bèn lập tức đồng ý, ở trên cầu đá nhanh chóng đi xuống biển ba mươi dặm, cuối cùng đã gặp được hải Thần.
Trong đám bề tôi của hoàng đế có một người rất tài ba, âm thầm đem chân dung tướng mạo của vị thần biển vẽ lại. Thần biển sau khi phát hiện ra thì giận dữ nói: “Không thể tin được là hoàng đế cũng bội ước, ngươi hãy lập tức quay trở về đi!”.
Tần Thủy Hoàng không còn cách nào, đành phải quay ngựa trở về. Con ngựa kia chân vừa mới bước xuống đất, cầu đá phía sau liền bất ngờ sụp đổ, suýt nữa thì kéo cả người lẫn ngựa xuống biển.
Hải thần mặc dù không cần mạng của Tần Thủy Hoàng, nhưng cũng đã trừng phạt Tần Thủy Hoàng rất nặng, lấy đó làm răn cho mọi người. Người đời sau biết vậy càng không dám làm trái lời thề ước.
Theo kannewyork.com