Theo nghiên cứu mới của Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, thuộc Bộ Tài nguyên – Môi trường cho thấy, miền Bắc đang bị ảnh hưởng khói bụi nhiệt điện từ Trung Quốc lan sang.
Ô nhiễm ozon gia tăng vào mùa đông
Hiện tượng El Nino 2015 được nhận định tương đương về cường độ so với El Nino năm 1997-1998 (đợt El Nino mạnh kỷ lục từng ghi nhận, nó được gọi là hiện tượng ENSO của thế kỷ 20).
Từ đầu năm đến nay, một loạt các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng kỷ lục ở miền Bắc với nhiệt độ ghi nhận lên tới 42 độ C, mưa lớn bất thường ở Quảng Ninh, Hà Nội… Do El Nino hoạt động mạnh nên trong mùa đông 2015-2016, dự báo các tỉnh miền Bắc sẽ đón mùa đông ấm. Cũng do ảnh hưởng của El Nino nên Indonesia gặp cháy rừng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tới các quốc gia lân cận như Singapore, Việt Nam…
Trong khi đó, tại miền Bắc, dù không chịu ảnh hưởng của hiện tượng “mù khô” do cháy rừng từ Indonesia lan sang, nhưng một nghiên cứu mới đây của Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu cho thấy, các tỉnh miền Bắc như Hà Nội, Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn… đang phải chịu ảnh hưởng của ô nhiễm không khí xuyên biên giới, chủ yếu là từ Trung Quốc.
Các nghiên cứu của Viện này chỉ ra, ô nhiễm không khí từ Trung Quốc ảnh hưởng đến Việt Nam có thể tới 55% đối với SO2, 48% đối với NO2 và 30% đối với CO. “Vào mùa đông có sự lan truyền ô nhiễm không khí khá lớn từ Trung Quốc tới miền Bắc. Sự di chuyển này chủ yếu đi theo hướng đông bắc, hướng có sự hoạt động mạnh mẽ của gió mùa đông bắc. Vùng phía đông và đông nam Trung Quốc được xem là nguồn gây ô nhiễm không khí xuyên biên giới đến miền Bắc nước ta”, kết quả nghiên cứu chỉ ra.
Khói, bụi độc do nhiệt điện dùng than?
Cũng theo kết quả nghiên cứu trên, vào mùa hè Việt Nam ít bị ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc hơn, thay vào đó là gió mùa Tây Nam và Đông Nam đóng vai trò chủ đạo nên mức độ ảnh hưởng từ việc lan truyền xuyên biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng có sự thay đổi đáng kể. Nồng độ các chất ô nhiễm không khí tại Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc chỉ chiếm 4% đối với SO2, 2% với CO và 1,5% đối với NO2.
PGS. TS Dương Hồng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu nhìn nhận, kết quả trên của đề tài mới tập trung đánh giá chất SO2 trong không khí, bởi phía nam Trung Quốc tập trung nhiều nhà máy nhiệt điện dùng than. Qua nghiên cứu cho thấy, Việt Nam còn hứng chịu cả những chất hữu cơ khó phân hủy với hàm lượng không thua kém SO2.
Bước đầu, các nhà khoa học xác định nồng độ SO2 cao là yếu tố gây ra mưa axit, gây hại cho mùa màng, sản xuất nông nghiệp. Tại một số tỉnh vùng núi giáp Trung Quốc như Lào Cai, Lạng Sơn thường xuyên xảy ra mưa axit vào mùa đông.
Theo dantri