Nhà anh chị họ tôi có hai con gái, một cháu đang học lớp 4 và một cháu học lớp 2, anh chị kể hai con gái học rất giỏi và các cháu có năng khiếu về ca múa.
Vì vậy ngoài giờ học ở trường các cháu còn được anh chị cho đi học thêm về ca múa ở một trung tâm quận Tân Bình.
Thú thật, nhìn thấy lịch học chính khóa của hai cháu mỗi ngày cũng như lịch học thêm, học ca múa và cả lịch “chạy sô” mỗi khi có sô diễn vào mỗi buổi tối… tôi thật sự phát “sốt”.
Mỗi buổi sáng cứ tầm 6g30 là anh chị lại lọ mọ dẫn xe máy đưa hai con đi học. Chừng 11g tan học anh chị lại thay phiên nhau đón hai con về ăn cơm trưa, đến hơn 13g chiều chị có “nhiệm vụ” đưa hai con vào học ca chiều.
Giờ tan học buổi chiều anh có nhiệm vụ từ cơ quan làm việc sẵn tiện ghé trường đón con, có hôm bận việc anh H. nhờ bà nội đón hai cháu đi học về.
Tội nghiệp, để ý nhiều bữa tôi thấy hai cháu đi học ở trường về cả ngày có lẽ vì quá mệt mỏi và đói, ăn vội vàng trái bắp hay cái bánh ú mẹ mua sẵn ở nhà lót dạ rồi chị hối anh chở con đi học thêm tại nhà thầy cô vào buổi tối, hay học ca múa ở trung tâm kẻo kẹt xe hay trễ giờ học.
Nhiều bữa đến tận hơn 21g hay 22g đêm tôi thấy anh chị H. đón con học thêm từ nhà thầy cô giáo về, hoặc có hôm các cháu tham gia một sô diễn ca múa nào đó về nhà rất trễ. Anh chị lại hối hai con tắm rửa ăn tối và “ép” con ngồi vào bàn học.
Có lúc tôi nghe thấy tiếng hai cháu than thở với cha mẹ là mới đi học về mệt quá xin mẹ cho xem tivi hay nghỉ ngơi tí thì anh chị lại “dọa” bảo con phải cố gắng học hành vì sắp tới kỳ thi học kỳ I rồi. Thế là hai cháu dù than mệt cũng đành phải miễn cưỡng ngồi vào bàn học.
Có hôm vì mệt và đuối quá các cháu vừa học vừa ngủ gục trên bàn học thì bị chị phát hiện la rầy con.
Vì xót và thấy hai cháu con anh chị học và làm việc quá sức mỗi khi có sô ca múa, tôi góp ý và nói với anh chị thấy lịch học hai cháu dày đặc và căng thẳng quá trong khi các cháu chỉ mới học lớp 2 và lớp 4. Mẹ hai cháu bảo cũng biết điều đó nhưng không thể giảm lịch học thêm được vì nếu các cháu không học thêm sẽ thua kém bạn bè và mất căn bản ngay từ đầu.
Ngoài ra vì các cháu có năng khiếu ca múa nên anh chị quyết tâm đầu tư và cho các cháu học thêm ca múa ở trung tâm vào mỗi tối với mong muốn hai con sau này sẽ nổi tiếng. Do vậy mà chị bảo với tôi lịch học của các cháu trong tuần kín mít.
Anh chị còn hồ hởi khoe thành tích của hai con ngoài chuyện học giỏi các cháu đã biết làm ra tiền khi còn nhỏ và là cây văn nghệ số 1 ở trường.
Mỗi khi tham gia sô ca múa minh họa trong các chương trình ca nhạc, văn nghệ hoặc tham gia múa minh họa cho các ca sĩ, nghệ sĩ… mà trung tâm bốc sô, các cháu đều được trả thù lao đầy đủ, tiền kiếm được chị bảo để lo và đầu tư cho các cháu.
Có những chương trình ca múa đi biểu diễn ở các tỉnh, thành tận Vũng Tàu chị phải thu xếp, chuẩn bị và xin phép cô giáo cho hai con nghỉ vài ngày để đi biểu diễn…
Thời buổi mà chuyện thành tích trong học hành ở trường lớp luôn là nỗi quan tâm đặc biệt, nếu không muốn nói là nỗi “ám ảnh” của hầu hết các bậc cha mẹ với mong muốn con mình là nhất, là “đặc biệt” trong mắt thầy cô, bạn bè cũng là điều dễ hiểu và cảm thông.
Thời buổi mà nhiều bậc cha mẹ luôn mong muốn con mình trở thành diễn viên, ca sĩ và là người nổi tiếng, kiếm được nhiều tiền và làm giàu nếu các cháu có thực lực, năng khiếu cũng là niềm mơ ước chính đáng.
Nhưng cũng chính vì những điều rất “chính đáng” như nêu trên mà nhiều cháu tuy chỉ mới học tiểu học, lớp 1, lớp 2 nhưng đã phải chịu một áp lực không hề nhỏ trong học hành, thi cử cũng như cho niềm mơ ước chính đáng trở thành người nổi tiếng, là một ngôi sao ca nhạc hay ngôi sao điện ảnh trong tương lai từ niềm mong mỏi các bậc cha mẹ.
Biết đọc, biết viết, biết làm toán là được
Ở cơ quan tôi, anh chị em thi thoảng cũng hay tám trong giờ nghỉ xoay quanh chủ yếu chuyện học hành của con cái. Thú thật, nhiều khi tôi luôn bị mọi người áp đảo vì trái quan điểm trong dạy con.
Mấy anh chị thì luôn ủng hộ cho con đi học thêm, cho con học bán trú… còn tôi thì ngược lại. Thậm chí tôi còn nói vui với mọi người: “Con nhà em đi học buổi sáng, buổi chiều ở nhà chơi với em gái. Lớp 1 chơi là chính, học thêm làm gì”.
Có lẽ cách tôi nói bị mọi người phản đối, song tôi cũng có suy nghĩ của riêng mình. Sinh con ra, tôi biết con mình như thế nào, không ai có thể hiểu con bằng mẹ.
Ban đầu tôi cũng muốn con mình giỏi giang, nhanh biết đọc, biết viết, thành thạo khi làm toán, biết ngoại ngữ từ rất sớm… Tôi cũng đáp ứng cho con đầy đủ cả vật chất, tinh thần, lựa chọn loại sữa tốt trên thị trường, thường xuyên cho con được vui chơi thỏa chí.
Nhưng có lẽ sinh ra mỗi đứa trẻ có những đặc điểm sinh học riêng, có trẻ nền tảng sinh học tốt, được kế thừa những lợi thế từ cha mẹ, nhưng cũng có trẻ chậm tiếp thu, không có năng khiếu, tiến bộ chậm. Con tôi có lẽ chỉ thuộc mức trung bình, vì thế sự tiến bộ của cháu chậm hơn với các bạn cùng tuổi.
Không phải thế mà tôi buồn, tôi luôn hạnh phúc vì tạo hóa đã cho tôi đứa con trai khỏe mạnh, ngoan ngoãn là quá tuyệt vời rồi. Còn việc học của con, tôi chấp nhận dạy học theo cái vốn của con, tôi không bao giờ bắt con phải căng thẳng, đúng như cách mà tôi làm “chơi là chính”.
Bạn bè, anh em hỏi han việc học của con, tôi trả lời đúng những gì con mình đang có: “đọc chưa nhanh, còn mắc lỗi, viết hay thiếu dấu, làm toán cũng hay quên”.
Mấy hôm vừa rồi báo chí đưa tin về việc nữ sinh tự tử chỉ vì lý do “vì không hoàn thành được ước mơ… của bố mẹ”. Tôi đọc đi, đọc lại vừa xót cho cháu bé, nhưng đồng thời là bài học cho nhiều phụ huynh mắc phải những sai lầm nghiêm trọng.
Đó là họ cứ mong con thật giỏi nhưng giới hạn của con chỉ ở mức trung bình thì không bao giờ thực hiện được, con không có năng khiếu về tự nhiên thì đừng hi vọng trở thành bác sĩ, con không đủ chiều cao quy định thì đừng nuôi hi vọng vào ngành công an…
Tất cả sự kỳ vọng của người lớn chẳng qua càng tạo nên áp lực cho con mình.
Các bậc phụ huynh hãy nhìn vào những gì có sẵn của con, đừng bắt con phải theo đuổi bằng được những gì con không thể có, con không thể làm, con không bao giờ thích…
Muốn vậy ngay từ ngày nhỏ cha mẹ hãy hiểu con và bằng lòng với những gì con có. Áp lực chính là nguyên nhân của biết bao sự ân hận muộn màng.
PHƯƠNG LAN (Đồng Nai)