Tồn tại qua hàng thiên niên kỷ, rừng đá Thạch Lâm là kết quả của hoạt động địa chất, sự xói mòn của nước và gió, không chỉ nổi tiếng vì là địa điểm quay bộ phim Tây Du Ký 1986 hơn 30 năm trước, khu vực này còn được UNESCO công nhận là vườn địa chất lớn nhất thế giới.
Thạch Lâm là địa điểm được đạo diễn Dương Khiết chọn làm địa danh Hoa Quả Sơn nổi tiếng trong Tây Du Ký 1986, trong phim đây là nơi đã sinh ra “Mỹ Hầu Vương” Tôn Ngộ Không lừng danh.
Tọa lạc tại huyện tự trị của dân tộc Di Thạch Lâm thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, rừng đá tự nhiên Thạch Lâm được chia thành nhiều khu rừng nhỏ hơn với các hang động, thác nước, ao, hồ… và đặc biệt có một con sông ngầm chảy sâu bên dưới những ngọn núi khổng lồ.
Không chỉ có vẻ đẹp hòa quyện giữa non nước cây rừng với những cột đá tự nhiên, rừng đá này còn độc đáo ở chỗ những ngọn đá muôn hình vạn trạng không giống nhau nhưng lại có những điểm cắt theo quy luật khiến nó đồng nhất một cách kỳ lạ. Chiều cao của các trụ đá tại đây vô cùng đa dạng, có trụ đá cao đến 170m so với mặt đất.
Truyền thuyết kể rằng, nơi này do những người sở hữu khả năng bất tử tạo ra. Còn theo các nhà khoa học, khu rừng kỳ lạ này được hình thành khoảng 270 triệu năm trước Kỷ than đá của thời Đại cổ sinh. Ban đầu nó là đáy của một vùng biển lớn, sau đó nước dần cạn đi, để lộ ra những núi đá vôi khổng lồ. Sự xói mòn của gió và nước đã tạo nên những hình thù ấn tượng cho các khối đá.
Vào thời Minh, rừng đá Thạch Lâm có diện tích lên tới 400km2 và được mệnh danh là Kỳ quan đầu tiên của thế giới.
Một điều đặc biệt của Thạch Lâm là khi dùng tay sờ hoặc gõ lên đá sẽ phát ra những âm thanh trầm bổng khác nhau như tiếng đàn đá. Lại có những phiến đá khi gõ phát ra tiếng ngân nga như tiếng chuông nên được gọi là chuông đá.
Rừng đá Thạch Lâm bao gồm các khu Đại Thạch Lâm, Tiểu Thạch Lâm và rừng đá Naigu với vô vàn khối đá có hình dạng khác nhau, từ hình thù động vật, thực vật đến hình người. Một số khối đá rất mịn với hình thù tinh tế, một số gồ ghề, mỗi khối đều độc nhất vô nhị.
Trong phim Tây Du Ký, rừng đá Thạch Lâm là nơi sinh ra Tôn Ngộ Không, còn ngoài đời rừng đá Thạch Lâm được cho là nơi đã sinh ra Ashima, một cô gái xinh đẹp người dân tộc Di. Theo truyền thuyết, Ashima bị Azhi, con trai một địa chủ bắt cóc và ép kết hôn. Ahei, người yêu của Ashima sau đó đã đến cứu cô bằng cung tên thần.
Ahei thi hát với Azhi trong 3 ngày 3 đêm và cuối cùng giành chiến thắng. Nhưng trên đường về nhà, Ashima gặp một trận lũ và hóa thành tảng đá trong rừng.
Ngày nay, đến với Thạch Lâm, các du khách sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng tảng đá Ashima, là hóa thân của Ashima. Tảng đá này được cho là giống thiếu nữ trong trang phục truyền thống với giỏ trên lưng và mũ đội đầu của người dân tộc Di.
Hàng năm vào ngày 26/4 âm lịch, tại rừng đá này, người dân tộc Di sẽ tổ chức lễ hội đốt đuốc để tưởng nhớ Ashima trong truyền thuyết. Lễ hội sẽ có các cuộc thi đấu vật và những màn biểu diễn múa dân gian truyền thống.
Không chỉ nổi tiếng vì vẻ đẹp độc đáo, gắn liền với những truyền thuyết thú vị trên, rừng đá Thạch Lâm còn được biết đến là nơi sản sinh oxy của Vân Nam, lọc bầu khí quyển.
Năm 1982, Thạch Lâm được công nhận là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia đầu tiên, đến tháng 3 năm 2004, Thạch Lâm được các chuyên gia của tổ chức bình chọn địa chất thế giới thuộc UNESCO công nhận là Vườn địa chất thế giới. Tháng 6 năm 2007, nó được UNESCO đưa vào danh sách di sản thế giới.
Một số hình ảnh khác của rừng đá Thạch Lâm:
Yên Yên (t/h)