Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông đang được nghiên cứu đầu tư kéo dài đoạn Hà Đông – Xuân Mai thêm 20km.
Chính phủ vừa gửi các đại biểu Quốc hội báo cáo việc thực hiện chính sách phát triển giao thông đường sắt và sử dụng ngân sách đầu tư cho lĩnh vực này.
Trong báo cáo trên, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông có chiều dài khoảng 14km, đi trên cao với tổng số 12 ga và 1 depot (trạm) tại phường Yên Nghĩa (Hà Đông) sẽ được đầu tư kéo dài thêm 20km, chạy đến thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Nội).
“Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đã cơ bản hoàn thành, tuy nhiên, do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan, đến nay dự án chưa được đưa vào khai thác”, báo cáo nêu.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chủ trương nghiên cứu xây dựng kéo dài một số tuyến đường sắt đô thị khác tại Hà Nội để kết nối với đô thị vệ tinh.
Cụ thể sẽ đầu tư kéo dài tuyến số 2 thêm 9km, kết nối Nội Bài – Trung Giã, huyện Sóc Sơn. Kéo dài tuyến số 3 thêm 30km, kết nối Nhổn – Sơn Tây chạy dọc theo quốc lộ 32. Đồng thời đầu tư tuyến đường sắt đô thị Sơn Tây – Hòa Lạc – Xuân Mai, chiều dài khoảng 32km để kết nối 3 đô thị vệ tinh phía tây bắc thủ đô.
Ngoài việc nghiên cứu xây dựng kéo dài các tuyến đường sắt nêu trên để kết nối với đô thị vệ tinh, cơ quan chức năng cũng đang chủ chương quy hoạch một số tuyến tàu điện một ray nhằm hỗ trợ và khai thác tốt hơn cho toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị trên địa bàn thủ đô.
Các tuyến tàu điện một ray đã được quy hoạch, gồm: Tuyến số 1 Liên Hà – Tân Lập – An Khánh dài khoảng 11 km; tuyến số 2 Mai Dịch – Mỹ Đình – Văn Mỗ – Phúc La, Giáp Bát – Thanh Liệt – Phú Lương dài khoảng 22 km; tuyến số 3 Nam Hồng – Mê Linh – Đại Thịnh dài khoảng 11 km.
Hiện nay, Bộ GTVT, UBND TP. Hà Nội và UBND TP.HCM đang tích cực triển khai đầu tư xây dựng các dự án theo quy hoạch được phê duyệt nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, từng bước thay đổi bộ mặt giao thông đô thị, đồng thời tạo nên dáng dấp đô thị hiện đại tại Hà Nội và TP.HCM.
Nguồn lực đầu tư cho các dự án đường sắt đô thị giai đoạn vừa qua là 29.994 tỷ đồng. Trong đó, Hà Nội là 12.750 tỷ đồng, TP. HCM là 17.244 tỷ đồng.
Để thúc đẩy tiến độ chuẩn bị đầu tư, thực hiện các dự án, Chính phủ đã chỉ đạo UBND TP. Hà Nội và UBND TP. HCM chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành khẩn trương triển khai, đáp ứng tiến độ các dự án.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông hiện dài khoảng 14km, được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2008 với tổng mức đầu tư hơn 8.700 tỷ đồng (tương đương 552 triệu USD).
Quá trình thực hiện, dự án được điều chỉnh lên 18.000 tỷ đồng (tương đương 868 triệu USD). Đến nay, dự án đã vận hành thử toàn hệ thống (từ tháng 9/2018), song vẫn chưa hoàn thành các thủ tục đánh giá an toàn và nghiệm thu để khai thác thương mại.
Báo cáo với Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vào sáng 1/10, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể hứa sẽ cố gắng khai thác thương mại từng phần tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông trong 1-1,5 tháng tới (tháng 11/2019).
Vũ Tuấn (t/h)