Nhắc đến cái tên Joshua Wong, bất kì ai quan tâm ít nhiều đến “Cách mạng Dù” và các cuộc biểu tình dân chủ tại Hong Kong 4 năm qua, hẳn sẽ không quên cậu thanh niên gầy gò với cặp kính dày cộp nhưng đầy bản lĩnh.
Joshua Wong (Hoàng Chi Phong) là một nhà hoạt động sinh viên, trở thành biểu tượng của Hong Kong đương đại. Trong bộ phim tài liệu “Joshua: Teenager vs Superpower” (Joshua: Cậu thiếu niên và siêu cường) của đạo diễn Joe Piscatella ghi lại những câu chuyện đằng sau hoạt động đối đầu với sự kìm kẹp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) để tìm kiếm tự do cho Hong Kong, một khu vực bán tự trị.
Bộ phim có bố cục sắp xếp theo diễn tiến thời gian từ đầu năm 2012 đến tháng 9/2016, đồng hành cùng những thăng trầm của Joshua Wong trong sự nghiệp chính trị, từ thời điểm cậu ngồi biểu tình bên ngoài văn phòng chính phủ năm 2012, đến việc phản đối chương trình học gây nhiều tranh cãi, bởi nó được cho là có hình thức tuyên truyền của ĐCSTQ; rồi trước áp lực từ phức hợp chính quyền hai năm sau đó, Joshua bị bắt.
Tiếp đến là phong trào chiếm đường phố; rồi hoạt động nhịn đói hết sức đau đớn nhưng không hiệu quả, được cho là nỗ lực trong tuyệt vọng nhằm đánh thức sự cảm thông của người Hong Kong đối với phong trào chiếm đường phố; và thời điểm nhà hoạt động sát cánh cùng Joshua Wong là Nathan Law đã giành được chiếc ghế vào Hội đồng Lập pháp Hong Kong năm 2016.
Bộ phim 78 phút trong đó có ghi hình các buổi phỏng vấn Joshua Wong và gia đình cậu, cũng như những nhà hoạt động đồng hành cùng cậu trong thời gian qua, ngoài ra cũng có nhận định từ những học giả, chuyên gia, cựu binh trong phong trào ủng hộ dân chủ ở Hong Kong.
Nhà sản xuất Andrew Duncan biết đến Wong sau cuộc gặp với Matthew Torne, đạo diễn bộ phim tài liệu 2014 nói về các cuộc biểu tình phản đối “giáo dục quốc gia” có sự tham gia của Wong và các nhà hoạt động trẻ khác.
Khi “Cách mạng Dù” nổ ra vào năm 2014, Duncan quyết định viết nên câu chuyện kể về đoạn đời hoạt động của Joshua Wong, và lúc liên hệ với Torne, người này đã kết nối anh với Piscatella.
Piscatella biết Joshua Wong, nhưng lại thấu hiểu hơn về tầm quan trọng của cậu đối với người Hong Kong trong suốt quá trình làm phim tại nơi này. “Mọi người ai cũng biết Joshua. Cậu ấy nổi tiếng và quen thuộc với bất kì ai”, anh nói qua điện thoại.
Trong suốt “Cách mạng Dù”, Piscatella có mặt cùng với Wong tại những phân cảnh quay lại việc cảnh sát dùng hơi cay và dùi cui. “Không ai bị thương, nhưng đó là giây phút mà một nhà làm phim nhận ra rằng xung quanh là những màn cân não thật sự”, Piscatella nói.
Có lẽ Joshua Wong là người nhận thức rõ hơn ai hết về màn đấu nhiều rủi ro này. “Đảng Cộng sản Trung Quốc can thiệp vào sự tự trị của Hong Kong hòng làm suy yếu các giá trị phổ quát mà chúng tôi tin tưởng, đó là nhân quyền và tự do cho tương lai”, cậu nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
Wong nói rằng cậu đương đầu với ĐCSTQ ngay cả khi chính quyền thân Bắc Kinh không cố đưa chương trình “giáo dục quốc gia” vào trường học tại Hong Kong.
“Tôi có lẽ sẽ không đứng trên tuyến đầu và làm người triển khai phong trào, mà sẽ trở thành người thỉnh nguyện bình thường. Tuy nhiên, tôi sẽ luôn đấu tranh vì dân chủ, ngay cả khi vị trí của tôi có khác đi”.
Bộ phim dưới bàn tay đạo diễn của Joe Piscatella ghi lại hoạt động hàng ngày của Wong trước khi cậu bất ngờ được nhiều người biết đến. Wong phát biểu bằng loa phóng thanh và micro ở những góc đường đông đúc; Wong tuyển người điều hành nhóm những nhà hoạt động trẻ của cậu, rồi Wong đi học, đi lễ ở nhà thờ. Tất cả đều khiến người ta tin tưởng vào lý tưởng kiên định của cậu.
Tuy nhiên, có một khía cạnh mà bộ phim của Piscatella đã bỏ lỡ khiến nó chưa đủ sắc thái để giúp người xem hiểu rõ hơn về diễn biến hoạt động của ĐCSTQ ở Hong Kong.
Trong phim, Joshua Wong và các nhà bình luận cho rằng đương kim Chủ tịch Tập Cận Bình là “ông trùm” đứng sau những rắc rối hiện tại ở Hong Kong. Tuy nhiên trên thực tế, phe đối thủ chính trị của ông Tập mới là thế lực đang kiểm soát các mạng lưới ở Hong Kong họ cố ý gây rối tại khu vực này nhằm phủ đầu và phá hoại chính quyền của ông Tập.
Cuộc đấu đá nội bộ này thể hiện rõ trên các trang báo Hong Kong thân Bắc Kinh, khi họ ra sức “vạch tội” Trương Đức Giang, quan chức cấp cao lãnh đạo Hong Kong và là người thuộc phe cánh Giang Trạch Dân.
Tuy nhiên đối với Wong, cuộc chiến nội bộ của ĐCSTQ không nằm trong những mối bận tâm của cậu. “Theo tôi, mâu thuẫn nội bộ trong tầng lớp cầm quyền hoặc ĐCSTQ không quan trọng, nó không ảnh hưởng đến sự kiên định của chúng tôi trong cuộc chiến vì dân chủ”, cậu nói qua điện thoại.
Sự cống hiến miệt mài cho phong trào xã hội ở Hong Kong của Joshua Wong đã lấy đi của cậu những ngày tháng êm đềm thảnh thơi tuổi học trò. Những thước phim còn ghi lại hình ảnh buổi tiệc chia tay nhóm hoạt động của Wong, nơi mà những người trẻ nâng ly cho “tuổi trẻ phí hoài” của họ.
Tuy nhiên, Wong chưa có ý định ngừng các hoạt động của mình cho đến khi “Hong Kong lại là Hong Kong”.
Hàn Mai biên dịch