(PL)- Ngoại trưởng Mỹ John Kerry mang theo sứ mệnh thể hiện cho Trung Quốc nhận thấy không có gì hoài nghi về quyết tâm duy trì tự do hàng hải của Mỹ.
Lại một lần nữa bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên sâu đậm liên quan đến vấn đề Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trên biển Đông. Một đường lối ngoại giao thông minh Sáng 16-5 tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã kêu gọi Trung Quốc tiến hành các biện pháp nhằm giảm bớt căng thẳng trên biển Đông. Ông cũng thông báo về các mối quan tâm của Mỹ trước nhịp độ và quy mô của các yêu sách chủ quyền lãnh thổ mới đây của Trung Quốc trong khu vực tranh chấp ở biển Đông. Ngoại trưởng John Kerry phát biểu như trên vào ngày đầu tiên trong chuyến viếng thăm Trung Quốc kéo dài 48 tiếng. Tại cuộc họp báo chung sau hội đàm giữa Ngoại trưởng John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, Ngoại trưởng John Kerry cho biết: “Tôi đã hối thúc Trung Quốc, thông qua ông Vương, tiến hành các biện pháp cụ thể phối hợp với thế giới để giảm căng thẳng và gia tăng các cơ hội cho giải pháp ngoại giao”. Ông đã kêu gọi “một đường lối ngoại giao thông minh” thay cho “các tiền đồn và đường băng sân bay”. Ngoại trưởng John Kerry trò chuyện với Ngoại trưởng Vương Nghị tại Bắc Kinh ngày 16-5. Ảnh: EPA Trước đề nghị của ngoại trưởng Mỹ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vẫn khăng khăng cho rằng Trung Quốc quyết tâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Một chủ đề khác trong hội đàm giữa hai ngoại trưởng Mỹ và Trung Quốc là các tàu thuộc Hạm đội 7 của Mỹ ở Thái Bình Dương ra vào các vùng biển mà Bắc Kinh xem là lãnh hải. Vấn đề này có thể dẫn đến khủng hoảng nghiêm trọng giữa Mỹ và Trung Quốc. Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố “Trung Quốc tiếp tục duy trì hối thúc phát triển quan hệ quân sự” giữa hai nước. Ông cho rằng đặc biệt cần thiết phải thông báo các hoạt động quân sự lớn giữa hai nước và nhanh chóng đạt được thỏa thuận về quy tắc ứng xử giữa không quân hai nước. Mỹ cố thuyết phục Bắc Kinh Hãng tin Reuters ghi nhận trong chuyến thăm lần này, Ngoại trưởng John Kerry mang theo thông điệp bày tỏ mối lo ngại ngày càng gia tăng của Mỹ và các nước trong khu vực trước tham vọng hàng hải của Trung Quốc. Reuters nhận xét Trung Quốc đang đòi hỏi chiếm giữ 90% diện tích biển Đông. Trong những tháng qua, Trung Quốc đã tiến hành xây dựng và bồi đắp trên nhiều đảo, đá đã chiếm đóng trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Dưới đầu đề “Bắc Kinh tiến hành chính sách lấn biển ở biển Đông”, báo Le Monde ngày 16-5 nhận định Ngoại trưởng John Kerry đã mang đến Bắc Kinh một thông điệp quả quyết về động cơ cạnh tranh mới phát sinh trong quan hệ chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh. Đó là tình trạng điên cuồng xây dựng trên biển Đông của Trung Quốc, nơi mà từ nhiều tháng qua Bắc Kinh đã biến đổi các đá và rạn san hô đang tranh chấp trở thành các đảo nhân tạo. AFP dẫn nguồn từ giới thân cận với Ngoại trưởng John Kerry cho biết trong chuyến đến Bắc Kinh lần này, Ngoại trưởng John Kerry nỗ lực thuyết phục Trung Quốc về các hậu quả hết sức tiêu cực cho hình ảnh của đất nước Trung Quốc, cho quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, tình hình ổn định khu vực và quan hệ Trung-Mỹ. Nguồn tin nêu trên nhấn mạnh: “Ông John Kerry sẽ không để cho những người đối thoại Trung Quốc bất kỳ hoài nghi nào về quyết tâm duy trì tự do hàng hải của Mỹ”. Từ 200 ha lên 800 ha Trong bài viết với đầu đề “Một bức tường cát đầu độc ngoại giao ở biển Đông”, đài RFI đã từng ghi nhận biển Đông là điểm giao thoa các đường hàng hải sống còn đối với thương mại quốc tế và giàu tiềm năng dầu khí. Trong khi đó, bất chấp cảnh báo từ Mỹ, quân đội Trung Quốc vẫn điều động máy xúc và tàu xây dựng các cảng nhân tạo cứ như tàu sân bay giữa đại dương. Các bức ảnh vệ tinh đã chứng minh một bức trường thành bằng cát đang tồn tại trên biển Đông. RFI mô tả: Nhìn từ trên cao, vài đảo nhân tạo trông giống bãi biển thiên đàng nhưng các bãi cát nhỏ bé ấy có nguy cơ đầu độc quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước láng giềng ở biển Đông. RFI nhận định khu vực xa bờ này từ thuở xa xưa không phải là mục tiêu để tranh chấp. Ấy vậy mà hiện nay Trung Quốc đã tạo sự kiện và cao giọng đòi “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với các đá ở biển Đông. Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ công bố ngày 8-5, Trung Quốc đã mở rộng diện tích bồi đắp ở biển Đông lên gấp 400 lần. Trong một năm, diện tích sử dụng đã tăng từ 200 ha lên 800 ha, trong đó 3/4 Trung Quốc bao chiếm từ đầu năm 2015. Lầu Năm Góc đã dự kiến đưa tàu chiến và máy bay thám sát đến khu vực 12 hải lý quanh các đảo Trung Quốc mới bồi đắp ở biển Đông để bảo đảm quyền tự do hàng hải ở khu vực này. Khu vực 12 hải lý là phạm vi quốc tế thừa nhận xung quanh các đảo tự nhiên nhưng không áp dụng đối với các đảo do con người bồi đắp mà thành. Về phía Trung Quốc, Tân Hoa xã bình luận Mỹ có thái độ đạo đức giả, mượn cớ để duy trì chủ nghĩa bá quyền trong khu vực.
HOÀNG DUY Theo Pháp luật TPHCM |