Các nhà chức trách Italy vừa xác nhận thêm 793 người tử vong vì dịch viêm phổi Vũ Hán. Đây là số ca tử vong trong một ngày lớn nhất từng được ghi nhận kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này, theo Al Jazeera.
Ngày 21/3, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy thông báo ghi nhận thêm 6.557 ca nhiễm virus corona mới, nâng tổng số ca nhiễm của nước này từ 47.021 lên 53.578 ca, tăng 13,9% so với ngày trước đó. Số ca tử vong mới cũng tăng cao kỷ lục 793 ca, nâng tổng số người chết lên 4.825 người.
Hiện dịch bệnh tại Italy vẫn chưa có dấu hiệu ngừng bùng phát. Vùng Lombardy vẫn là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất với hơn 25.000 ca lây nhiễm, trong đó có hơn 3.000 ca tử vong, tương đương 2/3 số ca tử vong tại Italy.
Viện Y tế Quốc gia Italy cho biết độ tuổi tử vong trung bình vì dịch viêm phổi Vũ Hán ở nước này là 78,5, và độ tuổi trung bình bị nhiễm dịch là 63.
Ngoài ra, tỷ lệ tử vong ở quốc gia này ở mức 9%, cao gấp đôi trung bình toàn cầu. Đây là nước có dân số già thứ 2 thế giới sau Nhật Bản, với khoảng 23% người trên 65 tuổi. Các chuyên gia y tế cho rằng yếu tố nhân khẩu học này là một trong những lý do khiến tỷ lệ tử vong ở Italy cao.
Số liệu các ca tử vong được ghi nhận chủ yếu đến từ phía bắc Italy. Đây là khu vực có hệ thống y tế tiên tiến hàng đầu thế giới, hiện đang trong tình trạng quá tải nhưng vẫn có thể kiểm soát được.
Trong khi đó, tình hình ở phía nam ít khả quan hơn, đây là nơi có hệ thống y tế lạc hậu hơn và hiện đã ghi nhận vài chục ca tử vong ở mỗi khu vực. Chính quyền Italy cũng đang theo dõi chặt chẽ tình hình tại đây.
Được biết, kể từ ngày 12/3, quốc gia 60 triệu dân này đã thi hành lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhằm kiểm soát dịch bệnh, trong đó chính phủ ban hành lệnh nghiêm cấm tụ tập nơi công cộng và đóng cửa hầu hết các cửa hàng.
Tại thủ đô Roma, lực lượng cảnh sát liên tục túc trực trên khắp các con phố để kiểm tra hành chính và xử phạt những người đi ra ngoài mà không có lý do chính đáng.
Những người chạy bộ được yêu cầu chỉ chạy quanh tòa nhà họ đang sinh sống. Các công viên, bãi biển đều tạm ngưng hoạt động, chính quyền thủ đô Roma cũng đang chuẩn bị thi hành lệnh kéo dài thêm thời gian đóng cửa các trường học và các cửa hàng đến những tháng hè.
Kể từ sau báo cáo đầu tiên vào tháng 12/2019 tại Trung Quốc, dịch viêm phổi Vũ Hán đã làm thay đổi tình hình thế giới, tạo gánh nặng cho hệ thống y tế các nước, gây xáo trộn cuộc sống của hàng triệu người dân và làm suy yếu thị trường chứng khoán toàn cầu.
Tính đến thời điểm hiện tại, dịch đã lan ra 192 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Theo số liệu công bố chính thức, toàn cầu đã ghi nhận hơn 335.000 ca nhiễm, trong đó có hơn 14.000 ca tử vong.
Huy Hoàng (Theo Al Jazeera)