Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 20-8 lên án vụ chặt đầu nhà báo James Foley, đồng thời kêu gọi nỗ lực chung nhằm loại bỏ “căn bệnh ung thư” mà nhóm ISIS đang gieo rắc ở Iraq và Syria.
Ngay sau khi đoạn video ghi hình phóng viên Mỹ James Foley bị nhóm tự xưng là Nhà nước Hồi giáo (IS) hành quyết được đăng tải, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), Cơ quan Tình báo nội địa Anh (MI5) và Bộ Chỉ huy chống khủng bố của Sở Cảnh sát London lập tức tìm kiếm tung tích gã đao phủ mặc đồ đen đứng cạnh nạn nhân.
Pháp, Đức, Anh đầu bảng
Ngoài chất giọng được các chuyên gia ngôn ngữ khoanh vùng ở thủ đô London của Anh, giới an ninh tin rằng có thể thu hẹp phạm vi tìm kiếm nhờ chiều cao, đôi mắt của gã đao phủ cũng như hồ sơ đi lại, thông tin trên mạng xã hội và tình báo…
Trong khi đó, nguồn tin của tờ The Guardian (Anh) nhận ra tay súng trên là kẻ cầm đầu nhóm 3 người Anh trong đội canh gác con tin nước ngoài ở Raqqa, thành trì của IS tại Syria. Từng bị giam ở Raqqa 1 năm, nguồn tin tiết lộ gã đao phủ tự gọi mình là John, đến từ London và được mô tả là “thông minh, có giáo dục và sùng đạo Hồi”.
Ông Richard Barrett, nguyên là người đứng đầu cơ quan chống khủng bố của Cơ quan Tình báo nước ngoài Anh (MI6), nói với đài BBC rằng số người Anh đang tham chiến ở Syria và Iraq có thể lên đến 500 người và “nhập khẩu” ngược các vụ tấn công về nước.
Nguyên nhân khiến những người này đi theo thánh chiến là do tâm lý bị ghét bỏ cũng như viễn cảnh kinh tế tối tăm trái ngược hẳn với vinh quang nhận được từ hành động tử vì đạo.
Không chỉ Anh, Pháp cũng lo sốt vó khi bị Tổ chức Cảnh sát châu Âu (EUROPOL) điểm danh là “kinh đô khủng bố của châu Âu” trong bản báo cáo hồi tháng 5 vừa qua. 63 trong tổng số 152 vụ tấn công khủng bố khắp châu Âu trong năm 2013 xảy ra ở Pháp.
Đáng lo ngại không kém, kết quả cuộc thăm dò do Trung tâm Nghiên cứu ICM thực hiện cho hãng thông tấn Nga Rossiya Segodnya hồi tuần này cho hay có tới 15% người Pháp được hỏi có thái độ tích cực đối với ISIS, đặc biệt là nhóm tuổi từ 18-24. Con số này tại Anh là 11% (chủ yếu từ 35-44 tuổi), còn ở Đức là 10% (chủ yếu là 16-17 tuổi).
Nguy cơ trên bờ biển Địa Trung Hải
Đài CNN (Mỹ) dẫn ước tính của các quan chức châu Âu tin rằng có hơn 2.000 công dân thuộc các nước Liên minh châu Âu (EU) đang hưởng ứng các tổ chức thánh chiến. 500-1.000 người trong số này có thể đã gia nhập IS, nhiều nhất lần lượt là công dân Pháp, Đức và Anh.
Một quan chức chống khủng bố châu Âu cho CNN biết có tới 300 người từng “chu du” đến Syria đã quay về. Nỗi lo trở nên rõ rệt khi “một phần tử thánh chiến có vũ trang” sát hại 4 người tại một trung tâm Do Thái ở Brussels – Bỉ vào ngày 24-5.
Đến tháng 6, cảnh sát phát hiện bom tự chế tại một căn hộ ở ngoại ô TP Cannes – Pháp. Chủ nhà là một thanh niên 23 tuổi từng trải qua 18 tháng chiến đấu trong hàng ngũ nhóm vũ trang Mặt trận al-Nusra ở Syria.
Vượt qua các đàn anh, IS đang “chiếm được cảm tình” của giới cực đoan châu Âu nhờ sự tấn công thần tốc khắp Iraq. Trong lá thư gửi tờ Sunday Telegraph, Thủ tướng Anh David Cameron cảnh báo ISIS đã mọc rễ ở Syria và đang có tham vọng bành trướng sang Jordan và Lebanon, ngay sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
“Nếu chúng thành công, chúng ta sẽ đối mặt với một quốc gia khủng bố trên bờ biển Địa Trung Hải và giáp một thành viên NATO” – ông Cameron chỉ ra và kêu gọi hợp tác với Ả Rập Saudi, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập… để chặn đứng IS.
Không chỉ châu Âu đau đầu, Canada cũng có công dân là thành viên IS. Một người trong số đó, Salman Ashrafi đến từ TP Calgary, đã thực hiện vụ đánh bom tự sát làm ít nhất 19 người chết.
Song song với sự lo lắng của các nước Đông Nam Á có nhiều người theo Hồi giáo như Indonesia, Philippines, Malaysia…, Tổng Giám đốc Cơ quan Tình báo Úc David Irvine hôm 12-8 thừa nhận số lượng người Úc tìm cách đến Syria và Iraq hoặc hỗ trợ các phần tử cực đoan tham chiến ở đó hiện lớn chưa từng thấy.
Theo NLD